7/12/16

Bánh bò thốt nốt nướng

2 CÁCH LÀM BÁNH BÒ THỐT NỐT (NƯỚNG & ÁP CHẢO)
  Chưa bao giờ làm bánh bò đơn giản, nhẹ nhàng và yên tâm đến thế!!!

Bánh bò thốt nốt nướng

  Dạo gần đây làm bánh bò Mã Lai, tuy dễ nhưng không dai như  kiểu mình thích, nên chuyển sang thử bánh bò kiểu Indo (Bika Ambon) – rất giống với bánh Việt Nam, dùng hoàn toàn bột năng nhưng ủ với men nở bánh mì.
  Kết quả là, như kiểu các bạn bây giờ hay thường nói: “tưởng không ngon” mà cuối cùng là “ngon không tưởng”. Bánh có búa xua rễ tre, rất mềm, thơm, ngọt, ngậy và xốp, không hề có mùi bột, mùi men hay mùi trứng. So với cách làm cũ tuy mất thêm thời gian ủ khoảng 2 – 2.5 giờ nhưng các bước đều đơn giản hơn nhiều, không cần phải đánh trứng nhẹ tay, không cần phải làm nóng khuôn trước, không cần phải chú ý A, B, C… Thực ra nói là lâu chứ thời gian ủ chỉ là để cái âu ở trong bếp rồi đi làm việc khác, nên tính tổng thời gian thao tác có lẽ còn nhanh hơn công thức dùng bột nở, vì chỉ quấy trộn vài cái, đổ khuôn rồi chờ tới lúc ăn thôi.
  Công thức này cũng có thể rán trên chảo được. Bánh ở Indo người ta dùng chảo gang trên bếp than nóng nhưng mình rán bằng chảo chống dính trên bếp điện thấy rất ngon lành. Túm lại là kiểu công thức cho mọi nhà và mọi người. Bạn nào vẫn đang ôm “mối hận ngàn năm chưa trả hết” với bánh bò dùng bột nở thì thử công này xem sao nhé!

1. Nguyên liệu

- 150 g nước cốt dừa (coconut milk, không phải coconut cream)
- 75 g đường thốt nốt hoặc đường nâu, đường vàng
- 100 g bột năng (tapioca starch)
- 1/2 thìa cafe (khoảng 2 g) men nở loại instant (không cần kích hoạt)
- 3 trứng gà loại lớn:  khoảng 60 g/quả (cân cả vỏ)
*Ghi chú về nguyên liệu:
  +Nước cốt dừa có thể dùng loại đóng hộp hoặc nước cốt dừa tươi. Lưu ý dùng đúng loại coconut milk, không phải coconut cream 
  +Đường thốt nốt hay đường nâu sẽ cho mùi vị bánh thơm ngọt và ngon hơn đường trắng nhiều. Lượng đường có thể thay đổi theo khẩu vị (và vì mỗi loại đường khác nhau cũng có độ ngọt khác nhau)
  +Dùng đúng loại men nở là instant dry yeast hoặc instant yeast. KHÔNG dùng bột nở hay muối nở thay thế
  +Có thể dùng thêm vanilla, chiết xuất lá dứa (pandan extract) hoặc lá chanh, sả… nếu muốn làm đúng kiểu bánh bò Indonesia
*Dụng cụ:
  -Nếu làm kiểu nướng: Khuôn 15 x 15 cm để + giấy nến lót khuôn (hoặc khuôn khác có kích thước tương tự, dùng khuôn nhỏ hơn như muffin/ cupcake cũng được)
  -Nếu làm kiểu rán: Chảo chống dính đường kính 12 – 20 cm

2. Cách làm

Video hướng dẫn cách làm bánh bò:


- Cho nước cốt dừa và đường vào nồi. Đun trên lửa to, quấy liên tục để đường tan nhanh. Khi đường tan hết thì bắc khỏi bếp, để nước nguội về khoảng 35 – 40 độ C (chạm tay vào thấy hơi ấm nóng). Nước cốt dừa ấm sẽ giúp men hoạt động tốt hơn, nhưng nếu nước quá nóng sẽ làm yếu hoặc chết men. 
- Cho vào âu bột năng và men nở, trộn đều. Cho trứng vào đánh tới khi hỗn hợp mịn mượt.
- Đổ nước cốt dừa ấm vào âu bột và trứng, trộn đều tới khi hỗn hợp mịn mượt (lưu ý về nhiệt độ của nước cốt dừa, xem thêm ở bước 1).
- Đậy kín âu bằng khăn, nilon hoặc nắp đậy. Ủ ở nơi ấm áp (30 – 35 độ C) khoảng 2 – 2.5 giờ, tới khi trên mặt âu có một lớp bọt khí.
  Vào mùa đông, nếu trời lạnh, bạn có thể bật lò nướng ở mức 100 độ C khoảng 45 – 60 giây (lò nhỏ bật thời gian ngắn), sau đó tắt lò để tạo ra môi trường ấm áp để ủ bột. Hoặc có thể đặt âu bột trong hộp hay nồi kín rồi đổ một chút nước sôi vào để tạo ra môi trường ấm áp. LƯU Ý: nơi ủ bột không được quá nóng vì sẽ làm chết men, xem thêm giải thích ở bước 1. 
Bánh bò thốt nốt nướng
- Khi bột đã có một lớp bọt khí ở trên mặt thì dùng thìa quấy nhẹ nhàng để các nguyên liệu hoà quyện trở lại. Lưu ý quấy lớp bột lắng và đọng ở đáy âu. Quấy nhẹ tay, tránh làm vỡ nhiều bọt khí.
- Tới đây thì có 2 cách làm: nướng hoặc chiên bánh. Cả hai cách cho bánh ngon như nhau. Nướng mất thời gian hơn nhưng không mất công. Rán thì nhanh hơn nhưng mất công đứng rán. Tuỳ các bạn chọn lựa nhé.

*Cách 1: Nướng bằng lò 
– Làm nóng lò ở 180 độ C, lửa trên và dưới. Quét một lớp bơ mỏng trong khuôn rồi dùng 2 tờ giấy nến để lót khuôn (xem thêm cách làm trong video).
– Đổ bột vào khuôn. Đặt khuôn ở rãnh thấp nhất của lò nướng. Nướng ở 170 – 175 độ C, lửa trên và dưới trong 40 – 45 phút tới khi mặt bánh nâu vàng, cắm thử tăm vào giữa bánh thấy tăm sạch khô.
– Một vài lưu ý quan trọng:
  +Một số công thức bánh bò Indo khuyên nướng 170 độ C với lửa dưới trong khoảng 30 phút đầu, khi bánh đã chín, tương đối vững vàng và mặt bánh khô thì chuyển bánh lên rãnh giữa, bật 2 lửa nướng 180 độ C thêm 15 phút để bánh vàng mặt. Tuy nhiên lò của mình không chỉnh được riêng chế độ lửa dưới nên mình nướng 2 lửa và thấy rất ổn. Một phần lí do khác là lửa trên của lò nhà mình khá cao, cao hơn lửa dưới nên kể cả khi nướng bánh ở rãnh thấp nhất thì mặt bánh cũng rất nâu rồi, nên không cần chuyển bánh lên rãnh giữa lò.
Nhiệt độ nướng có thể thay đổi theo từng lò, cần tuỳ vào tình trạng bánh mà có cách chỉnh cho phù hợp. Nếu bánh nở rất nhanh rồi xẹp thì nguyên nhân là do nhiệt nướng quá cao. Nếu bánh nở chậm, không có rễ tre và mặt dưới bánh có một lớp bột đặc thì nguyên nhân là nhiệt nướng quá thấp.
  +Với bánh bò, nướng quá thời gian một chút sẽ tốt hơn là nướng non. Vỏ bánh khi nướng quá thời gian có thể sẽ dày hơn thôi, ruột bánh không bị ảnh hưởng gì cả. Nếu mặt bánh nâu vàng quá nhanh thì bạn có thể dùng một miếng giấy bạc che mặt bánh là được.

*Cách 2: Nướng bằng chảo 
– Bật bếp ở lửa vừa, làm nóng chảo chống dính, loại đáy phẳng, đường kính 12 – 20 cm, có nắp vung đậy.
– Đun nóng 1/2 thìa cafe dầu dừa hoặc dầu ăn trong chảo. Đổ bột vào chảo, dày khoảng 0,5 – 1 cm. Đậy nắp vung. Rán trên lửa vừa – nhỏ khoảng 3 – 5 phút tuỳ độ dày của bánh. Khi mặt trên bánh se lại và không dính tay thì lật bánh, rán thêm khoảng 1 phút nữa rồi lấy ra đĩa, để nguội. Lưu ý: căn nhiệt rán sao cho nhiệt đủ cao để bánh nở nhưng không quá cao vì dễ làm cháy đế bánh. 
– Cho thêm dầu vào chảo để rán bánh tiếp theo, nên quấy đều bột trước khi rán bánh.
Bánh bò thốt nốt nướng
Bánh bò nên dùng trong ngày, để qua ngày tuy bánh vẫn còn ăn được nhưng độ ngon thì không bằng ngày hôm trước nữa rồi. Công thức này không nên dùng để hấp vì khi hấp rất khó căn nhiệt, khả năng bánh bị hỏng cao.
Chúc các bạn thành công!
(Nguồn Savourydays.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét