6/12/16

Muôn vẻ các loại Bánh bèo

1. Bánh bèo Huế
Bánh bèo Huế
  Bánh bèo vốn rất quen thuộc với người dân miền Trung bởi hương vị đồng quê nhuần khiết và hiền lành.
  Ở Huế, bánh bèo mỏng, nhỏ, điểm thêm tôm chấy màu đỏ tươi trông thanh cảnh, nhẹ nhàng. Nguyên liệu làm bánh chỉ là gạo xay thành bột mịn, đem trộn với nước, chờ vài phút để có độ dẻo vừa phải, sau đó múc vào từng chén nhỏ, xếp vào vỉ đem hấp chín bằng hơi. Khi bánh chín, cho thêm gia vị như: tôm giã thật nhỏ, một ít dầu béo thực vật rưới lên chén bánh trước khi ăn. Nước chấm bánh bèo được nấu từ tôm tươi nên vừa có vị ngọt, vừa béo.
2. Bánh bèo Hà Nội
Bánh bèo phố cổ Hà Nội được điểm xuyết thêm một chút hành phi thơm vàng ươm.
   Hà Nội tuy không phải là cái “nôi” nối tiếng của bánh bèo, nhưng Hà Nôi được coi là đất “tứ phương hội tụ” chẳng của gì thức gì không có, không quen với người Hà Nội.
Món Bánh bèo cũng vậy. Ngoài những cái tên thương hiệu như bánh bèo Huế và bánh bèo Quảng Nam, bánh bèo Nam Bộ, người dân Hà Nội nay có thêm cái tên nữa – bánh bèo phổ cổ Hà Nội.
  Bánh được làm bằng thứ gạo dẻo, lá bánh mỏng manh, trắng muốt được đặt trong chiếc chõ hấp lúc nào cũng nóng hổi, rồi rưới thêm mỡ hành và thứ nhân “độc chiêu” khác với bánh bèo Huế hay Quảng Nam. Đó là thịt nạc băm nhuyễn, trộn với nộm (gồm nấm hương, mộc nhĩ, củ đậu, đu đủ hoặc su hào, hạt tiêu, dầu hào xào chung). Mỗi đĩa bánh được điểm xuyết thêm một chút hành phi thơm vàng ươm. Khi ăn, khách chỉ việc lấy đũa, gắp một miếng bánh bèo với chút nhân, chấm nước mắm chua ngọt hấp nóng và rưới thêm hành mỡ phi thơm.
3. Bánh bèo Miền Nam
Người miền Nam ăn bánh bèo kèm thêm nhiều thứ như chả Huế, nem nướng….

  Vào đến Sài Gòn, bánh bèo Huế được thêm thắt nhiều thứ như chả Huế, nem nướng… để phù hợp với phong cách ăn uống của người miền Nam. Khách đến quán bánh bèo chợ Bàn Cờ không chỉ vì miếng bánh bèo nho nhỏ, xinh xinh kiểu Huế mà còn bởi chiếc nem chua nướng nóng hổi, miếng chả be bé nhưng nhiều tiêu và mùi thơm ngon của chén nước mắm có pha ớt màu đỏ rói (không phải những miếng ớt xanh xé nhỏ cay nồng). Đến những quán này, người Huế cứ chép miệng tiếc: “Còn chi nữa Huế ơi!”. Nhưng với dân Sài Gòn thì ăn thế mới ngon và không thấy ngán. Tuy vậy, nếu muốn tìm đúng hương vị của Huế, người ta vẫn có thể đến các nhà hàng, quán ăn Huế ở Sài Gòn để thưởng thức.
4. Bánh bèo bì Bình Dương
Bánh bèo bì Dì Tám Bình Dương
Bánh bèo bì Dì Tám Bình Dương có món bánh bèo bì nổi tiếng

  Bánh bèo bì ngon nhất là ở phần bì và nước mắm. Bì là hỗn hợp thịt và da lợn thái mỏng trộn thính và thêm gia vị cùng tỏi để tạo mùi vị và độ thơm. Về bánh bèo trắng lại có một số thành phần phụ giúp món bánh ngon và hấp dẫn hơn là đậu phộng giã nhuyễn, rau giá và dưa leo cắt sợi mỏng, đồ chua, hành phi thơm giòn…. Ăn bánh bèo bì phải chan nước cốt dừa, nước mắm ngọt pha loãng, như chan canh, mới ngon.
5. Bánh bèo chan nước sốt
banh-beo-Quy-Nhon
Bánh bèo chan nước sốt ăn với một chút nước mắm và nước xốt sền sệt được làm từ cà chua, củ sắn, tôm khô, thịt nạc.
  Nếu bánh bèo bì ăn kèm với nhiều thứ khá gia giảm thì bánh bèo chan nước xốt lại rất giản đơn. Đó là loại bánh to và dày, ăn với một chút nước mắm và nước xốt sền sệt được làm từ cà chua, củ sắn, tôm khô, thịt nạc. Nước sốt ngon khi múc phải kéo chỉ như lưu luyến không rời chiếc nồi đang bốc khói nghi ngút. Ăn bánh bèo chan nước sốt cũng có thú riêng khi cả nhóm ngồi túm tụm trên chiếc ghế thấp lè tè vừa trò chuyện huyên thuyên, vừa chất chén thành từng chồng cao trông thật vui mắt.
  Loại bánh bèo này ít nơi bán vì người ta phải tốn công, tốn than giữ lửa để nồi xốt luôn nóng, không nhàn hạ như bán các loại bánh bèo khác.
  Tuy là món ngon đường phố nhưng nhiều nhà hàng sang trọng  khắp Nam – Bắc cũng có món này trong thực đơn của mình. Chiếc bánh bèo nhỏ bằng đầu ngón tay cái, dày cui nhìn núc ních, lạ mắt, ăn kèm với nước chấm, rắc thêm mè, hành hay chan nước sốt tùy khẩu vị từng nơi nên béo ngậy, bùi bùi, ăn mãi mà không thấy ngán.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét