10/1/17

Thịt chua Tuyên Quang

Đây là món ăn độc đáo của người Dao Tiền. Món này được làm làm từ 4 nguyên liệu chính thịt lợn, riềng, cơm nếp, lá cơm đỏ.

1. Nguyên liệu

-Thịt lợn: thịt ba chỉ (hoặc mông sấn/nạc vai)
-Muối tinh
-Riềng
-Cơm nếp/ cơm tẻ để nguội

2. Cách làm

- Thịt được cắt thành từng miếng, mỗi miếng khoảng 0,5kg, trên mỗi miếng, dùng dao sắc khía thành từng phần dày 2 - 3cm, tránh làm đứt phần bì.
- Sau đó, đem thịt đã cắt ướp với thật nhiều muối, dùng tay chà xát thật mạnh cho muối ngấm sâu vào từng thớ thịt.
- Người ta đem gạo tẻ hay gạo nếp nấu chín thành cơm, sau đó xới ra để nguội.
- Mỗi miếng thịt sau khi xát muối được trộn tiếp với một ít cơm nguội (để cơm thấm muối khi tan cho thịt bớt mặn) rồi đem xếp ngay ngắn vào chum, trên cùng chét thêm một lớp cơm nguội dày và dùng tay lèn thật chặt. Trên miệng chum người ta lót thêm một lớp rơm sạch, dùng lá dong bịt lại rồi lấy lạt buộc bên ngoài cho thật chặt.

  Ngoài cơm nguội, người ta còn lấy các loại lá như lá cơm đỏ, trầu không, riềng. Tất cả đem rửa sạch, để ráo nước, giã nhỏ và trộn lẫn với thịt lợn.
- Sau khi thịt lợn được bóp đều với các loại gia vị, người ta tiến hành ủ chua thịt..
 Nếu muốn thịt chua nhanh được ăn, người ta có thể thái nhỏ miếng thịt và để ở nơi có nhiệt độ cao.
- Mỗi chum thịt sau khi đã bịt chặt được úp ngược lên một chiếc bế đựng đầy tro bếp. Làm như vậy để trong quá trình thịt lên chua, mỡ và nước từ thịt sẽ chảy ngược xuống ngấm vào tro, như thế thịt sẽ không bị hỏng.
  Công đoạn ủ chua thịt có thể mất từ 5 ngày đến nửa tháng, tùy thuộc vào thời tiết và từng mùa. Khi thịt đủ độ ngấu thì mới mở ra ăn.
- Khi ăn, từng miếng thịt chua được gỡ ra, gạt bỏ phần cơm nguội rồi dùng nứa để cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Thịt được ướp lâu năm thường săn lại, màu nhạt hơn, khi ăn có độ giòn của thịt mỡ, độ dai sần sật của bì và thịt nạc.

Thịt chua phải ăn kèm với lá lốt mới thưởng thức hết độ ngon của nó.
  Thịt lợn muối chua có đặc trưng là có vị chua, mềm mà không dai, không béo ngấy của thịt mỡ. Thay vào đó là vị đậm đà của thịt hòa cùng vị cay cay của riềng, vị thơm của lá cơm đỏ, trầu không, cơm nếp, đặc biệt là vị chua hòa lẫn vị mặn của muối đã tạo cho món ăn có hương vị thật độc đáo, khó quên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét