Cabbage Kimchi
Gia đình thích ăn Kim chi vừa đủ chua chua, nên mỗi lần Phương làm Kim chi thường đủ ăn cho 1 tháng, tức chỉ có hai bắp cải thảo lớn. P về VN thấy rau cải cái gì cũng bé tí so với bên đây nên nếu các bạn ở VN thì chắc phải mua 4 bắp cải thảo cho công thức này.
1. Nguyên liệu
- Cải thảo: 2 cây lớn, Muối
A. Phần nhân để nhồi vào lá cải
- Phần cháo nếp: 2 muỗng cafê bột nếp + 1 muỗng canh đường pha vào 400ml nước lạnh
-2 chén củ cải trắng xắt sợi nhuyễn
-Một chén hành lá xắt khúc
B. Làm nước sốt
-2/3 chén bột ớt Hàn Quốc (Tùy độ cay mà gia giảm, nhưng ớt HQ thường cho màu đẹp, không cay lắm)
-1/2 chén nước mắm
-15- 20 tép tỏi
-1 củ hành tây nhỏ (hoặc nửa củ lớn)
-1/2 trái lê
-1 muỗng canh vung Gừng băm
-1 muỗng canh mắm tép Hàn Quốc (nếu có)
-2 muỗng canh đường
2. Cách làm
*Ướp muối cải thảo:
- Cải thảo, tiếng anh là Cabbage, tiếng Đức là Chinakohl. Bắp lớn như trong hình thì chẻ 4, nhỏ thì chẻ đôi.
- Pha nước muối tỉ lệ 1:12. Để lượng nước đủ cho hai bắp cải thì mình cần 2 cup muối, tức hòa tan vào 24 cup nước.
- Cho cải vào hỗn hợp nước muối. Dùng tay tách nhẹ từng lớp cải cho rời rời ra chút. Rắc thêm lên từng lớp cải ít muối, chỉ rắc thêm muối vào phần gốc. Dùng khăn khô phủ lên, để như vậy trong vòng 6 tiếng. Trong thời gian muối, cứ sau 2 tiếng bạn nhẹ nhàng trở đều các miếng cải .
- Cải sau khi muối sẽ có màu trắng đục, lá mềm nhưng dai, không giòn và dễ gãy như lúc chưa muối.
Đem cải rửa qua 3 lần nước lạnh. Chú ý chỉ nhúng cải vào nước rửa, sau cùng cho cải vào rổ để ráo nước trong 1 tiếng. Tuyệt đối không dùng tay nắn bóp chắt nước, làm như vậy cải sẽ bị dập. Kim chi lúc thành phẩm sẽ không giòn mà sẽ mềm và bỡ, không giữ ăn lâu được.
*Làm cháo nếp:
Tinh bột và đường giúp cho sự lên men làm chua của Kim chi.
- 2 muỗng cafê bột nếp + 1 muỗng canh đường pha vào 400ml nước lạnh.
- Bắc nồi lên bếp cho hỗn hợp trên vào. Khuấy đều tay đến khi hỗn hợp sền sệt đặc lại như cháo là được. Nhấc xuống và để thật nguội.
*Muối kim chi:
- Cho các nguyên liệu làm sốt vào máy xay sinh tố xay nhuyễn (trừ bột ớt).
- Trộn A vào B, dùng tay trộn đều. Nên đeo găng tay ni lông để tránh hôi tay.
- Trét hỗn hợp trên vào từng lá cải thảo. Chú ý phần gốc của cải thảo nên cho nhiều nhân vào hơn phần lá.
- Cho cải vào keo, để bên ngoài 24 tiếng rồi mới cho vào tủ lạnh.
Kim chi ăn ngon nhất sau khi để tủ lạnh 5 ngày. Độ chua lúc đó vừa đủ. Bạn nào ở Việt Nam do thời tiết nóng hơn rất nhiều nên chỉ cần để 12 tiếng bên ngoài rồi cho vào tủ lạnh. Tủ lạnh càng lạnh thì Kim chi lâu chua và để ăn được lâu hơn.
Người HQ thường làm Kim chi số lượng lớn và dự trữ trong tủ lạnh dành riêng cho Kim chi. Nhiệt độ tốt nhất cho Kim chi là 2-3 độ C. Nếu quá trình lên men và làm chua của Kim chi xảy ra quá nhanh, do nhiệt độ tủ lạnh quá cao, nóng sẽ làm Kim chi có vị chua khó chịu như vài người ví mùi vị này như bị thiêu. Vậy tốt nhất bạn để Kim chi nơi nhiệt độ thấp nhất trong tủ lạnh, thường là ngăn trên của tủ kéo đựng rau củ.
*Lưu ý:
-Các bạn chỉ nên dùng bột nếp. Không dùng bột gạo hay bột mì, bột năng để thay thế.
-Khi rửa cải phải nhẹ nhàng, không bóp vắt nước cho mau khô vô tình làm dập cải.
-Tùy khẩu vị từng gia đình mà các bạn có thể cho thêm 1 muỗng canh nước mắm, bột ớt vào phần nhân trước khi trét lên cải. Không nên nêm thêm muối vào đây.
Có thể các bạn làm số lượng nhỏ thử trước, xem liều lượng thế nào, hợp khẩu vị không. Khi ăn thử phần nhân các bạn đừng vội cho là mặn, vì khi Kim chi sau thời gian sẽ thêm vị chua và nhạt đi phần nào.
Các bạn có thể dùng Kim chi chung với bữa cơm Việt như với thịt, cá kho, hoặc ăn kèm với Mì Hàn Quốc...
Chúc các bạn thành công!
(Theo Phuong's Kitchen)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét