Bánh Nhật có sự tinh tế trong hương vị, cách trang trí và trình bày. Mochi cream là một dạng bánh bột nếp của Nhật với nhân kem bên trong.
Với nhân kem chúng ta có thể phá cách với rất loại mùi và vị, nhưng khi kết hợp giữa 3 nền ẩm thực Nhật, Ý và Việt, chúng ta sẽ có lớp bột shiratama của Nhật nhưng lại có màu tím của lá cẩm Việt Nam lại mang âm hưởng của Ý với kem Tiramisu bên trong.
1. Nhân kem Tiramisu
Nhân kem Tiramisu có hai phần: kem và thạch cà phê.
1.a. Thạch cà phê
- 100 ml cà phê đậm đặc (có thể dùng cà phê pha phin hoặc cà phê đen dạng hòa tan)
- 30g đường
- 4g gelatine dạng bột.
Ngâm gelatine với 20g nước rồi chưng cách thủy. Cho cà phê đặc và đường vào đun sôi. Sau đó, cho gelatine vào hỗn hợp cà phê, khuấy đều rồi cho vào khuôn, bỏ vào tủ lạnh cho hỗn hợp đông lại. Sau khoảng 2 – 3 giờ, lấy ra cắt thành từng viên vuông nhỏ cạnh khoảng 1 - 2 cm.
1.b. Kem Tiramisu
- 250g mascapone (một dạng nguyên liệu giống phô mai, chuyên dùng cho Tiramisu)
- 150g whipping cream (kem làm từ sữa bò, có độ béo cao)
- 50g đường
- Rượu Khalúa (rượu cà phê) hoặc rượu rhum thêm cà phê đậm đặc
Để mascapone ở nhiệt độ phòng cho mềm rồi dùng phới trộn bột (spatula) nghiền cho mềm.
Đánh bông whipping với đường đến khi nên hỗn hợp chóp mềm. Cho từ từ mascapone vào hỗn hợp whipping và đường. Trộn nhẹ tay và theo một chiều để hỗn hợp không bị tách nước.
Cho rượu vào hỗn hợp sau cùng. Lượng rượu tùy thuộc vào sở thích của mỗi người nhưng ko quá 2 muỗng canh.
Cho hỗn hợp sau cùng vào bao bắt bông kem, phun kem vào ½ khuôn bán cầu (có thể mua khuôn bán cầu bằng silicone), ấn viên thạch cà phê vào, rồi phun tiếp cho đầy khuôn bán cầu.
Lưu ý vì một viên kem sẽ bao gồm 2 nửa bán cầu nên chúng ta sẽ làm số lượng bán cầu có thạch cà phê bằng với số lượng bán cầu không có thạch. Để sau khi ghép lại chúng ta có một viên kem hình tròn và có nhân thạch cà phê ở giữa.
Để viên kem trong tủ đá đến khi chuẩn bị xong phần nhân mới lấy kem ra tránh cho kem bị chảy nhão.
2. Phần vỏ bánh Mochi
Trong công thức này nên dùng bột shiratama là lọai bột nếp của Nhật vì chất lượng bột tốt có thể để lâu trong ngăn đá mà không bị chua hay cứng. Có thể mua bột này ở bất cứ siêu thị Nhật nào ở Sài Gòn và Hà Nội.
- 120 g bột shiratama
- Nước lá cẩm (lượng tương đối khoảng 100g nước). Tuy nhiên khi trộn bột chúng ta sẽ cho từ từ lượng nước này vào để điều chỉnh cho phù hợp.
Nước cốt lá cẩm có thể tự làm như sau: Mua lá cẩm tươi về rửa sạch rồi đun với nước xâm xấp. Đến khi hỗn hợp sôi sẽ có màu tím rất đậm, là có thể dùng được ngay. Nếu dùng không hết có thể cấp đông cho hỗn hợp nước cốt lá cẩm này. Khi cần chỉ cần rã đông là có thể dùng được.
- Bột bắp để áo bánh.
Cho bột shiratama vào tô chịu nhiệt, cho từ từ nước cốt lá cẩm vào tô bột, dùng phới trộn cho hỗn hợp vừa hòa quyện và không nhão, có thể ko sử dụng hết lượng nước trong công thức. Sau đó, bọc tô bột bằng màng bọc thực phẩm và cho vào lò vi sóng quay trong vòng 1 phút, rồi lấy ra trộn tiếp cho hỗn hợp chín đều. Tiếp tục quay từ 30 giây đến 1 phút đến khi thấy bột trở trong hoàn toàn là chín.
3. Nặn bánh
- Chuyển bột ra khay đã áo bột bắp, chia bột thành 8 phần bằng nhau, phủ màng bao thực phẩm và để bột bớt nóng.
- Sau đó lấy từng viên bột, dùng tay xé dọc viên bột ra để tạo lớp mịn màng cho bột, trong khi xé bột lưu ý nhớ áo bột bắp. Dùng tay miết miếng bột rộng ra theo hình tròn. Lấy một viên kem đặt chính giữa rồi túm bột lại.
Có thể dùng ngay hoặc bọc màng bao thực phẩm trữ đông trong ngăn đá tủ lạnh.
Chúc các bạn thành công!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét