Bánh ngải cứu là loại bánh được dùng trong các ngày lễ tết của người Tày. Bánh ngải xanh xanh, thơm dẻo với hương vị ngải cứu đặc trưng, vô cùng thơm ngon. Bánh dân dã nhưng lạ miệng và hơn thế, bánh là một vị thuốc điều hòa khí huyết, chống đau đầu, cảm cúm...
CÁCH LÀM CỦA NGƯỜI TÀY
1. Nguyên liệu
+ Lá ngải cứu 100 g
+ Mè đen 2 muỗng canh
+ Dầu ăn 2 muỗng canh
+ Dừa khô 10 g
+ Gạo nếp 150 g
+ Đường đỏ 200 g
+ Dầu ăn 2 muỗng canh
+ Đậu phộng 10 g
2. Cách làm
- Cho lá ngải vào nấu trong nước tro bếp từ 2 đến 3 giờ. Lúc ngải cứu đã nhừ, bạn đổ ngải cứu ra rổ sạch, rửa đi rửa lại nhiều lần cho sạch nước tro.
- Nhặt bỏ hết gân lá, cuống lá ngải đi rồi giã nhỏ, nặn thành từng viên lá ngải.
Mách bạn: Để có được nước tro sạch, bạn nên dùng tro được lấy từ tre nứa, hoặc tro vỏ đậu xanh. Vì lá ngải khi được đun trong nước tro sẽ rất nhanh nhừ và cho bánh ngải có màu sắc thật đẹp.
- Gạo nếp vo sạch, ngâm nước từ 3-5 tiếng. Sau đó bạn mang gạo nếp đi đồ thành xôi dẻo. Xôi chín, khi còn nóng bạn đem giã đều trong cối cùng phần ngải cứu đã giã nhuyễn.
Để bánh ngải mềm dẻo, bạn nhất định không được cho lẫn gạo tẻ vào xôi nếp đâu nha!
- Khi hỗn hợp bột làm bánh ngải đã nhuyễn, bạn dùng tay vắt thành những chiếc bánh ngải nhỏ dẹt, hình tròn.
- Rang chín vừng/mè đen với đậu phộng/lạc. Sau đó bạn giã nhỏ hỗn hợp vừng lạc ra, rồi đem trộn với đường đỏ, dừa khô để làm nhân bánh ngải.
- Sau đó bạn cho nhân bánh ngải vào bên trong những chiếc bánh, rồi viên lại thành những chiếc bánh nhỏ dẹt.
Sau khi viên bánh ngải hết phần hỗn hợp bột, bạn thoa một chút dầu ăn lên hai mặt bánh để bánh ngải không bị dính vào nhau và tạo độ bóng mịn.
- Cuối cùng, cho bánh ngải đã nặn vào hấp cách thủy. Bánh chỉ hấp bánh khoảng 5 phút từ khi nước sôi trong xửng. Bánh chín thơn lừng, nóng đều bạn lấy ra, để nguội.
- Bánh được gói vào trong lá chuối.
Hoặc bao nilon.
CÁCH LÀM NHANH VỚI BỘT NẾP
Thay bằng phải giã xôi với lá ngải cứu mất rất nhiều công sức để cho ra chiếc bánh lá ngải, thì bây giờ cũng vẫn với cách làm này chúng ta thay xôi bằng bột nếp mà chiếc bánh ngải vẫn thơm ngon như thường.
1. Nguyên liệu
- 400g bột gạo nếp
- 350g lá ngải cứu (lấy phần ngọn và phần lá, bỏ phần gân cứng)
- Vừng vàng
- Dầu ăn
- Đường phên
- Vôi tôi hoặc vôi khô (nếu không có dùng vỏ đỗ xanh, tre, nứa sạch đốt lấy phần tro)
2. Cách làm
- Lá ngải rửa sạch để ráo.
- Đem chút vôi hòa với nước, để vôi lắng xuống chắt phần nước vôi trong (còn cách khác hòa tro của vỏ đỗ xanh hoặc tre nứa sạch vào nước cũng chắt lấy phần nước trong để luộc lá ngải) vì làm cách này sẽ vẫn giữ nguyên được màu xanh của lá ngải và lá ngải sẽ rất nhanh nhừ.
- Cho nước vôi trong và lá ngải vào nồi nấu, khi lá ngải nhừ vớt ra rửa sạch cho hết nước vôi, vắt kiệt nước rồi thái nhỏ, để ráo.
- Bắc một cái chảo lên bếp và đổ lá ngải vào sao (với cách làm này sẽ làm giảm vị đắng của lá ngải và làm cho bánh sau khi làm xong sẽ có mùi thơm), khi sao lên, để lửa vừa phải và dùng đũa sao đều.
- Đổ chút nước vào lá ngải cho vào máy sinh tố xay mịn.
- Lấy cả nước và cái trộn với bột nếp và nhào bột cho dẻo, mịn.
- Nhân bánh: vừng đen hoặc vừng vàng rang chín, giã vụn. Cho đường phên lên chảo nóng cho đường chảy ra rồi đổ vừng giã vụn vào nấu cùng và để đặc lại.
- Nặn bánh:
+Dùng tay vắt thành những viên bột, cho nhân vào giữa, vê tròn và ấn dẹt.
+Mỗi chiếc bánh ngải làm xong sẽ thoa một lớp dầu ăn hoặc mỡ lợn lên hai mặt bánh để bánh không bị dính vào nhau và tạo độ mịn, bóng cho bánh.
- Bánh sau khi nặn xong sẽ được đem hấp cách thủy trong vòng 10 phút.
Bánh chín, lấy ra để nguội và thường thức.
Bánh ngải cứu là đặc sản của người Tày Lạng Sơn có khá nhiều biến tấu, người Tày có thể làm bánh ngải cứu có nhân hoặc không nhân. Nếu bánh ngải cứu không nhân, người ta chấm với đường phên cùng mè rang trộn đều. Còn nếu bánh ngải cứu có nhân, ăn sẽ đậm đà hơn mà không phải chấm thêm bất cứ thứ gì. Bánh nào cũng ngon, cũng thấm đượm sự khéo léo, đảm đang của phụ nữ Tày.
Bánh ngải cứu hấp dẫn người ăn bởi hương vị thơm dẻo của bột nếp, không còn vị đắng của ngải cứu nữa mà vô cùng dễ ăn, mát và không ngấy. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị bùi dẻo của nếp, ngọt của nhân và hơi tê tê vị của lá ngải rất lạ miệng.
Bánh ngải không nhân khi ăn sẽ chấm cùng đường phên cùng hạt kê rang vàng, giã nhỏ.
Chúc các bạn thành công!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét