17/7/17

Phân biệt các chất tạo đông trong thế giới đồ ngọt

Trong thế giới đồ ngọt, chúng ta có thể thấy có rất nhiều loại bánh, loại thạch cần sử dụng tới các chất tạo đông như bánh cheesecake, bánh mousse, panna cotta, hay phổ biến hơn như chè bơ, chè khúc bạch, sữa chua dẻo, các loại thạch, tào phớ,… Tuy nhiên, mỗi loại này lại có thành phần và cấu trúc khác nhau do đó phải sử dụng các chất tạo đông khác nhau để tạo ra thành phẩm ngon miệng mà đúng chuẩn. Các chất tạo đông mà chúng ta thường gặp nhất là gelatine, các loại bột rau câu như con cá dẻo, jelly, agar và đường nho.

1. Gelatine

   Gelatine là một sản phẩm giàu colagen thu được sau quá trình nấu sôi da và xương động vật. Đây là một loại protein gần như nguyên chất, không mùi, không vị.
   Gelatine thường có hai dạng: gelatine dạng bột và gelatine dạng lá. Cách sử dụng 2 dạng này gần như nhau: ngâm với nước lạnh để yên khoảng 10 phút cho gelatine nở rồi cho vào lò vi sóng hoặc hỗn hợp chất lỏng ấm để làm tan chảy. Với gelatine lá khi ngâm xong thì vắt bớt nước đi rồi mới cho vào lò vi sóng quay chảy trong khi gelatine bột thì không cần.
   Sử dụng gelatine lá sản phẩm sẽ đông tốt hơn gelatine bột. Và 2 loại gelatine này đều có thể thay thế cho nhau trong trường hợp không có sẵn loại như công thức yêu cầu. Mỗi lá gelatine có khối lượng 2-3g. Để làm đông 1l chất lỏng chúng ta cần khoảng 16g gelatine nhưng tỷ lệ này có thể thay đổi tùy theo các công thức khác nhau.
   Gelatine chỉ đông lại khi cho thành phẩm vào ngăn mát tủ lạnh. Sản phẩm làm đông bằng gelatine sẽ rất mềm mịn, xốp, cảm giác tan ngay trong miệng.
   Các loại bánh sử dụng gelatine: mousse, cheesecake không nướng, panna cotta, chè bơ, chè khúc bạc, sữa chua dẻo.

2. Bột rau câu

   Bột rau câu được chiết xuất từ tảo, có nguồn gốc hoàn toàn từ thực vật. Cách sử dụng bột rau câu rất khác với gelatine: khuấy đều bột rau câu với chất lỏng lạnh, đun sôi hỗn hợp lên rồi đổ ra khuôn.
   Sản phẩm làm đông từ bột rau câu có thể đông ngay ở nhiệt độ phòng mà không cần cho vào ngăn mát tủ lạnh. Cấu trúc của thành phẩm sẽ có độ giòn chứ không mềm mịn và tan trong miệng như gelatine. Do đó không thể thay thế gelatine bằng bột rau câu được đâu các bạn nhé.
   Bột rau câu cũng có 3 loại khác nhau:
- Bột rau câu con cá dẻo: thạch sẽ mềm, dẻo. Thường được sử dụng làm thạch trong trà sữa.

- Bột rau câu Jelly: thành phẩm giòn hơn và cứng cáp hơn so với sử dụng con cá dẻo nhưng vẫn có độ mềm. Thường để làm các loại thạch rau câu các vị, thạch phô mai, rau câu flan, rau câu 3D.
- Bột rau câu agar: cho thành phẩm rất giòn và cứng, thậm chí có cảm giác hơi bột bột khi ăn. Cũng được sử dụng để làm các loại thạch rau câu các vị.

3. Đường nho

   Đường nho, hay còn gọi là đường glucose, được chiết xuất từ lượng đường tự nhiên có trong hoa quả chín, đặc biệt là trái nho.
 Đường nho thường được sử dụng để làm tào phớ. Sau khi tắt bếp nấu sữa đậu nành xong thì hòa đường nho với một chút nước lọc trong một âu to rồi nhanh tay đổ sữa đậu nành vào âu đường nho. Chú ý sau khi hòa đường nho với nước phải cho sữa đậu nành vào luôn nếu không đường nho sẽ rất nhanh bị chua.
Tỷ lệ đường nho là 3-5g cho 1 lít sữa đậu nành.
Vậy là các bạn đã biết cách phân biệt các chất tạo đông thường gặp rồi đấy. Chúc các bạn thành công khi thực hiện nhé!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét