20/7/17

Sữa hạnh nhân

Almond Milk

Sữa hạnh nhân – nghe thì có vẻ cao siêu, ‘soang chảnh’ nhỉ, nhưng đây là loại sữa thực vật cực kỳ phổ biến với các nước phương Tây để thay thế sữa bò.
Trong các loại sữa từ hạt (nut milk), và nói chung là sữa từ thực vật (hạt, đậu, ngũ cốc v.v...), sữa hạnh nhân, sữa hạt điều và sữa dừa là 3 món mình hay làm nhất và thích nhất, sử dụng được phong phú trong các món sinh tố, tráng miệng, bánh trái nhất. Bởi màu sắc, vị và texture (cảm quan) của các loại sữa này có thể nói là còn ngon hơn sữa bò.
Nut Milk
Sữa hạnh nhân không có nhiều glycemic như sữa gạo, cũng không lo bị rối loạn hormone hoặc GMO như sữa đậu nành, ít hơn sữa bò 50% lượng calories và không có cholesterol, nhưng lại ít protein hơn. Sữa hạnh nhân có vị nhẹ, béo, ngậy và màu trắng sữa rất đáng yêu. Về cơ bản, sữa hạnh nhân là loại nước làm từ hạt hạnh nhân xay cùng nước. Cách làm sữa từng bước như dưới đây và phương pháp này có thể áp dụng cho hầu hết các loại sữa từ hạt (nut – hạt điều, óc chó, maccadamia v.v.).
Món này phù hợp cho cả người không ăn chay lẫn người ăn chay. Những ai kiêng sữa động vật mà lại dị ứng với các loại nuts thì có thể làm sữa dừa. Tự làm sữa hạt là dễ nhất quả đất ý!
Sữa hạnh nhân béo ngậy, thơm phức mùi thơm của hạnh nhân mà những loại sữa khác như sữa đậu nành hay sữa hạt sen không có được.
So với những loại hạt khác, hạnh nhân có thể được coi là loại khá đắt đỏ tuy nhiên những lợi ích về sức khỏe nó mang lại rất đáng để bạn lưu tâm. Với 200g hạnh nhân chỉ khoảng 40 - 50,000đ bạn có thể làm được khoảng 1,5 lít tương đương với 5 ly sữa hạnh nhân thơm ngon cho cả nhà.

1.1. Nguyên liệu

- Hạnh nhân: 200g
- Nước sôi để nguội : 1,5 lít (nếu muốn uống đặc hơn thì giảm lượng nước)
- Vani (tùy chọn)

1.2. Cách làm

- Ngâm hạnh nhân với nước qua đêm trong khoảng 8 tiếng.
- Bóc lớp lụa bên ngoài lấy phần hạt trắng, rửa lại với nước cho sạch.
- Cho hạnh nhân cùng với 1,5 lít nước và vani vào máy xay, xay nhuyễn.

- Đổ hỗn hợp hạnh nhân xay ra miếng vải mỏng và lọc, vắt bỏ bã.

- Sau đó, cho sữa hạnh nhân vào bình thủy tinh rồi để trong tủ lạnh, sử dụng dần từ 3-4 ngày nhé!
- Khi uống có thể cho thêm đường nếu thích.

*Lưu ýSữa hạnh nhân sau khi chế biến sẽ không đun nấu như các loại sữa hạt khác. Vì thế lúc chế biến bạn cần sử dụng nước đã đun sôi nhé!
(Theo Afamily.vn)
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

CÔNG THỨC 2

2.1. Nguyên liệu

-100 - 120 g hạt hạnh nhân
-1 lít nước lọc
-1 xíu muối biển
-1 xíu đường thô (hoặc xay sữa cùng vài quả chà là)

2.2. Cách làm

- Ngâm hạt hạnh nhân ngập trong nước (lượng nước gấp đôi hạt để hạt còn nở mềm). Thời gian ngâm từ 8-10h (hoặc qua đêm). Đổ bỏ phần nước ngâm.
Nếu vội có thể ngâm 1h trong nước nóng, sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến vị sữa.
- Luộc hạt hạnh nhân trong vòng 5-10 phút. Đổ bỏ nước luộc. Bóp để loại bỏ vỏ lụa của hạt.
Có thể bỏ qua bước này.
- Dùng máy xay sinh tố xay hạt hạnh nhân cùng nước lọc trong vòng 1-2 phút chia làm vài lần ấn máy để tránh nóng máy. Nếu dùng chà là hay quả vani thì có thể xay cùng luôn.
- Lọc hỗn hợp qua túi vải lọc. Dùng tay bóp hết phần nước ra khỏi bã.
Nếu dùng rây lọc lưới nhỏ thì phải lọc vài lần nếu không muốn sữa lợn cợn bã.
- Thêm chút muối, đường tùy khẩu vị (nếu muốn).
Vậy là chúng ta đã có sữa hạnh nhân trắng mịn trong tay. Lúc này có thể ực ngay để thưởng thức. Hoặc đổ hỗn hợp sữa trở lại máy xay, xay thêm cùng quả chà là, bột quế hay các loại nguyên liệu biến tấu khác nếu bạn muốn.

2.3. Lưu ý

- Nếu thời tiết nóng thì nên ngâm hạnh nhân trong tủ lạnh (đặt cả hạt và bát nước vào tủ) để tránh ngâm lâu hạt bị chua, làm sữa dễ bị hỏng, bị chua.
- Mục đích của việc luộc hạt là để dễ bóc vỏ lụa của hạt hơn, và còn để phần nào yên tâm hơn cho những bạn không thích cảm giác uống từ hạt sống. Do đó bạn có thể bỏ qua bước này.
- Ngoài ra bạn có thể rang hạt trước khi ngâm.
- Trong thời gian xay nên nghỉ vài lần để an toàn cho máy. Tốt nhất là máy xay sinh tố vẫn được sử dụng phổ thông trong các gia đình, loại máy để bàn thường khỏe hơn máy cầm tay. Máy càng khỏe thì hạt càng được nghiền kĩ hơn, cho sữa sánh hơn.
- Nếu dùng rây lọc thì sữa vẫn còn khá nhiều lợn cợn. Vì vậy nên dùng túi vải lọc, trong khi sữa hạt điều rất mịn không hề có cặn thì chỉ cần lọc qua rây.
- Sữa hạnh nhân nếu không dùng hết nên bảo quản giống juice: đựng vào các chai thủy tinh nắp kín trong ngăn mát. Để được 2-3 ngày.
- Lắc đều trước khi uống vì để một thời gian sữa sẽ lắng cặn. Lắng cặn là hoàn toàn bình thường.
- Có một cách khác khi làm sữa thực vật là xay hạt từ lúc sống rồi mới đun. Cách này với một số loại hạt như hạnh nhân và óc chó sẽ cần rất cẩn thận khi đun sau xay lọc, bởi nếu đun lửa to và sôi thì sữa sẽ bị lợn cợn, chỉ nên đun rất nhỏ lửa, khuấy liên tục và mấp mé sôi.
- Cách làm trên có thể áp dụng tương tự cho các loại sữa hạt (nut milk) khác, chỉ có thời gian ngâm các loại hạt sẽ khác nhau:
  • Hạnh nhân: 8 – 12 h
  • Macadamias: 8 h
  • Hạt điều: 2-4 h
  • Hạt thông (pine nut): 8 h
  • Hạt phỉ (halzenut): 8h 
  • Hạt óc chó (walnut) hoặc hồ đào (pecan): 1-2 h
  • Hạt dẻ cười: không cần ngâm
  • Yến mạch: 15 phút trở lên

- Và một lưu ý nữa về chất lượng sữa tự làm tại nhà phụ thuộc rất nhiều chất lượng nguyên liệu. Vì vậy các bạn đặc biệt chú ý nếu hạt của mình đã xuất hiện mùi hôi thì không nên dùng làm sữa vì khi làm sữa chủ yếu mình nên làm hạt dạng thô (không qua tẩm sấy bơ muối đường gì hết).
(Theo JuicyLife)
Chúc các bạn thành công!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét