Ở miền Tây Nam bộ, phía nhà sau hoặc trái hè thường có mảnh vườn. Đậu bắp, đậu đũa, bầu, bí, khổ qua, mướp, … là những thứ thường xuyên có mặt tại đây.
Mướp là loại dây leo nên thường được trồng cặp mé rạch, kênh nơi mảnh vườn tiếp giáp. Tận dụng chỗ đó để thả giàn cho mướp leo, đơn giản hơn thì cắm vài nhánh tre, mướp vẫn trổ bông ra trái như thường. Trái mướp nấu canh vừa ngọt, vừa mát. Bông mướp vàng tươi, là nơi thu hút những con ong bầu, ong mật vo ve vào mỗi buổi hừng đông trời ửng nắng.
Vịt thả đồng hay nuôi ngoài mương vườn, chừng ngoài chục con, có khách rất tiện làm vịt nấu cháo trộn gỏi chuối cây để nhâm nhi. Khi nhà túng ngặt cá tôm hay muốn đổi món, người ta bắt vịt xào gừng (thực ra đây là món kho mặn có nêm nhiều gừng xắt chỉ tạo nên mùi đặc trưng). Lúc này, cánh vịt, chân, cổ vịt được tách riêng rồi đem bằm thật nhuyễn để làm món lá mướp gói xương vịt bằm.
1. Nguyên liệu
- Đầu, cổ, cánh, chân vịt (có thể thêm ít thịt nạc vịt/heo)
- Miến
- Mộc nhĩ
- Hành củ, hành lá
- Lá mướp non
- Gia vị: mắm, bột nêm, tiêu...
2. Cách làm
- Xương vịt bằm nhuyễn.
- Miến ngâm mềm, cắt nhỏ.
- Mộc nhĩ ngâm nở, băm nhỏ.
- Hành củ bóc vỏ, bằm nhuyễn. Hành lá thái nhỏ.
- Trộn thịt xương vịt đã bằm nhuyễn với miến, mộc nhĩ, hành củ và nêm các gia vị vừa đủ.
- Lá mướp rửa sach, để ráo.
- Xúc thịt vào lá, gói vuông vắn thành hình chữ nhật nhỏ.
Muốn có thêm chất béo, mỗi gói thêm một hột đậu phộng rang vàng đã làm sạch vỏ.
- Gói xong xếp vào nồi hấp cách thủy đến khi chín thơm lựng.
- Bày ra đĩa kèm theo chén nước tương xay nhuyễn pha với đường thắng tạo nên thứ nước chấm sền sệt.
Chúc các bạn thành công!
(Theo Dân Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét