Xưa nay, người ta vẫn thường chỉ biết đến và được ăn món bánh đúc trắng. Khi nói về bánh đúc đỏ, ai nấy đều tỏ ra lạ lẫm. Thế nhưng, có một làng làm bánh đúc ở xã Nghi Thịnh (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) lâu nay vẫn chỉ làm bánh từ những hạt gạo Luốc dâu đỏ xen lẫn gạo trắng, cho ra đời những chiếc bánh đúc đỏ độc đáo, thơm ngon.
Bánh đúc đỏ xóm 9, xã Nghi Thịnh được làm từ những hạt gạo Luốc dâu đỏ...
Trộn lẫn với những hạt gạo tẻ thường trắng tinh.
Gạo Luốc dâu trộn với gạo trắng, sau khi đã ngâm trong nước lạnh tầm vài tiếng, sẽ được đưa vào máy xay bột nước.
Nếu xay lần đầu tiên, hạt gạo chưa được nhẵn mịn, phải xay lại lần thứ hai để bột mịn hơn, sẽ làm ra những bánh đúc đỏ ngon hơn.
Nấu nước vôi trong, khi sôi, ngay lập tức phải đổ bột gạo vào. Trong lúc đổ, phải thật nhanh chóng nếu không bột sẽ bị vón cục lại, khi ra bánh sẽ ăn bị sần.
Bột đổ vào nồi, người nấu bánh phải đứng túc trực ngay bên nồi bánh, khuấy đều liên tục để bánh không bị vón lại. Lửa không được đun quá to sẽ dễ bị cháy bánh. Với những người dân nấu bánh ở xóm 9 Nghi Thịnh, vì đã quen tay nên một nồi bánh đúc đỏ chỉ nấu trong vòng 1 tiếng rưỡi - 2 tiếng.
Khuấy đều và nấu đến khi bột bánh vớt lên không bị đứt đoạn mà bột bánh chảy nối tiếp nhau liên tục, lúc đó chứng tỏ bánh đúc đỏ đã chín. Ngay lập tức, bưng nồi bánh xuống và múc bỏ vào những chiếc bát đã được sắp sẵn. Công việc múc bánh phải làm thật nhanh gọn khi bánh trong nồi đang nóng. Nếu để nguội, bánh sẽ đông lại, không thể múc ra.
Những chiếc bánh đúc đỏ được sắp lên kệ chờ nguội. Bánh đúc đỏ ăn nguội mới đúng vị của nó, bởi khi nguội ăn sẽ mát hơn, và rất thích hợp khi ăn vào những ngày hè nóng nực như thế này.
Những người làm bánh đúc đỏ ở Nghi Thịnh nhận định rằng, xưa nay, chỉ có người dân nơi đây mới làm bánh đúc đỏ, ngoài ra các nơi khác chỉ làm bánh đúc trắng. Và ăn bánh đúc đỏ kẹp với nham chuối (món nộm làm từ gốc cây chuối hột) là hợp khẩu vị nhất, dễ ăn nhất.
Theo thời gian, bánh đúc đỏ được người dân ăn cùng với rất nhiều món như: xáo thịt bò, thịt chó, tiết bò hoặc lợn...Nhưng bánh đúc đỏ ăn với xáo lòng lợn vẫn được nhiều người dân nơi đây lựa chọn.
Bánh đúc Nghi Thịnh còn trở thành thức quà quê quen thuộc trong các khu chợ thuộc huyện Nghi Lộc như chợ Đình (Nghi Thịnh), chợ Sơn (Nghi Thạch), chợ Quán (Nghi Hoa)... Và thậm chí, món bánh đúc có một không hai này còn theo nhiều người trở thành món quà mang theo với ai đó mỗi lần về quê.
>>> Bánh đúc xứ Nghệ
(Theo Baonghean.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét