Bún là một trong những sản phẩm truyền thống phổ biến ở nước ta. Nghề làm bún đã có từ lâu đời và đang ngày càng phát triển. Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại thực phẩm dạng sợi tròn, trắng, mềm, được làm từ bột gạo tẻ, tạo sợi qua khuôn, được luộc chín trong nước sôi. Đây là một nguyên liệu được sử dụng khá nhiều làm thành phần chính chế biến rất nhiều món ăn ( bún bò huế, bún mắm, bún riêu…).
Bún là một trong những loại thực phẩm phổ biến nhất trong cả nước, chỉ xếp sau các món ăn dạng cơm, phở.
1. Bún tươi
Bún tươi là loại bún truyền thống, được sản xuất từ rất lâu đời ở nước ta.
- Phân loại theo hình dạng bún
- Bún rối: Bún rối là loại bún sau khi được làm nguội, bún sẽ được để một cách tương đối lộn xộn trong giỏ tre, chạc nhựa hay thúng, không có hình thù rõ rệt.
- Bún con hay bún nắm: Đây là loại bún mà các sợi bún được quấn lại với nhau thành từng cuộn nhỏ, có hình dạng gần giống như con sò. Đây là loại bún hiện nay đang được bán phổ biến ngoài thị trường.
- Bún lá: Các sợi bún được vắt thành từng dây có đường kính độ 4-5 cm, dài cỡ 30-40cm. Khi ăn, người ta sẽ dùng kéo cắt thành những đoạn nhỏ.
- Phân loại theo kích thước bún
- Bún sợi nhỏ: sợi bún có đường kính < 1 mm.
- Bún sợi trung bình: sợi bún có đường kính từ 1-1,5 mm.
- Bún sợi to ( bún bò ): sợi bún có đường kính khoảng 2 mm.
- Phân loại bún theo nguyên liệu
- Bún làm từ gạo tẻ
- Bún làm từ bắp: đây là loại bún đặc sản của vùng đất Phú Yên, bún không làm từ gạo mà được làm từ những hạt bắp và chỉ có bắp ở vùng Tuy An, Đồng Xuân mới tạo được vị ngọt, độ dẻo dai cho sợi bún.
2. Bún khô
Khi xã hội ngày càng phát triển, đời sống của người dân ngày càng được hiện đại hóa, công nghiệp hóa theo nhịp phát triển của xã hội, thời gian dành cho công việc được ưu tiên nhiều hơn, vì vậy nhu cầu sử dụng thực phẩm ăn liền tăng cao.
Ưu điểm của loại thực phẩm này là thời gian bảo quản dài, thời gian chế biến ngắn. Vì thế, không những tiêu thụ trong nước, sản phẩm còn có thể xuất khẩu ra nước ngoài, phục vụ cho cộng đồng người Việt đang sống xa quê nhưng vẫn có thể thưởng thức được những món ăn truyền thống. Do đó, sản phẩm bún khô đã ra đời để thỏa mãn nhu cầu người tiêu dùng.
Bún khô là loại sản phẩm công nghiệp, xuất hiện ở Việt Nam từ đầu những năm 90 của thế kỷ 20.
Hiện nay, bún khô rất đa dạng về chủng loại: bún khô từ gạo, bún khô từ đậu xanh, bún khô từ sắn với sợi bún có nhiều kích thước khác nhau để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
3. Phân biệt bún và thực phẩm dạng sợi khác
Về cơ bản, bún và một số các sản phẩm dạng sợi khác như: mì sợi, bánh phở, bánh đa, miến hay hủ tiếu…đều sử dụng bột từ ngũ cốc, có qui trình làm bột và ra thành phẩm gần tương tự nhau. Tuy nhiên, giữa các sản phẩm này vẫn có ít nhiều sự phân biệt nhất định theo thành phần nguyên liệu hoặc phương pháp chế biến:
- Bún chủ yếu sử dụng bột gạo tẻ, sản phẩm tạo ra dạng sợi có tiết diện tròn, mềm.
- Mì sợi dùng bột mì, đôi khi kết hợp một số nguyên liệu khác như trứng, sản phẩm tạo ra được cắt sợi vuông, chữ nhật hoặc sợi tròn nhỏ và thường được phơi khô.
- Bánh phở dùng bột gạo tẻ, tráng mỏng và cắt thành sợi dài.
- Bánh đa có cách làm gần tương tự như bánh phở nhưng có thể kết hợp với cả bột khoai mì, thành phẩm cũng thường được phơi khô.
- Miến thường làm từ tinh bột khoai mì, bột dong, tinh bột đậu xanh hay tinh bột gạo tẻ. Miến có sợi tiết diện hình vuông nhỏ, thành phẩm được phơi khô.
- Một sản phẩm khác, thịnh hành tại miền Nam, gần tương tự như bún, tuy nhiên sợi nhỏ, dai và dài hơn sợi bún đó là hủ tiếu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét