26/11/17

Gà tần ngải cứu

Ngải cứu hoặc ngải điệp (tên khoa học: Artemisia vulgaris, tên tiếng Đức: Beifuß) có tác dụng điều hòa khí huyết, giảm đau do trong thân, lá cây có chứa tinh dầu có tính kháng khuẩn cao, tăng khả năng lưu thông khí huyết, rất thích hợp dùng chế biến món ăn cho người kiệt sức hoặc ốm lâu ngày. Ngải cứu còn có tác dụng rất lớn đối với phụ nữ, điều hòa kinh nguyệt, an thai và cầm máu, sát trùng, đặc biệt tốt cho phụ nữ sau sinh và con con bú.
Ở Việt Nam, nếu chọn được gà ác thì cực tốt, cực bổ để hầm cho người ốm ăn sẽ rất tuyệt. Nhưng nếu không có thì dùng gà ri cũng ngon, thịt chắc và ngọt.
Thịt gà mềm, ngấm gia vị hòa quyện cùng mùi lá ngải rất thơm.

1. Nguyên liệu

- 1-2 con gà ác hoặc 1 con gà ri (khoảng 1 – 1,2 kg)
- 100-120g ngải cứu
- 600ml nước hầm xương gà, hoặc nước lã
- 1 củ nghệ
- 1 nhánh gừng
- 1 muỗng canh rượu trắng (không bắt buộc)
- Gia vị: muối, hạt nêm, mì chính (bột ngọt)

2. Cách làm

- Gừng bỏ vỏ, đập dập. Nghệ rửa sạch, giã nhuyễn.
- Ngải cứu nhặt lấy phần lá và phần ngọn non. Còn phần cọng già thì cho vào túi lọc trà để chút nữa hầm cùng gà. Rửa sạch, để ra rổ cho ráo nước.
- Gà làm sạch, xát muối, rửa sạch lại bằng nước.
- Pha hỗn hợp gia vị: 1 tsp muối + 1tsp hạt nêm + 1/3 tsp tiêu + gừng đập dập. Sau đó xoa đều vào mình gà và phần bụng gà, để đó cho ngấm khoảng 30 phút.
- Tiếp theo là nhồi một ít lá ngải cứu vào bụng gà, dùng tăm xiên kẹp bụng lại cho ngải cứu khỏi rơi ra ngoài.
- Chọn một cái xoong vừa vừa, đừng to quá, kẻo đổ mãi mà nước không ngập, gà bơi trong nước thì lại húp nước no, lại bớt ngọt nữa. Xếp một một nửa phần lá ngải cứu đã rửa sạch xuống đáy xoong, xếp gà lên trên, đặt túi lọc trà có chứa thân ngải cứu lên phía trên. Đổ nước ngập gà (khoảng 600ml).
Nếu có nước dùng hầm xương gà thì càng ngon, không thì dùng nước lã cũng không sao.
- Đun sôi, hớt bọt (nếu có), sau đó đậy vung lại, hạ lửa nhỏ, đun âm ỉ khoảng 20 – 30 phút, tắt bếp, ngâm gà trong nồi khoảng 30 phút nữa.
- Lúc ăn vớt bỏ túi lọc trà có chứa thân lá ngải đi, đun sôi lại, nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Cho nốt phần ngải cứu còn lại vào, đun sôi khoảng 3 – 5 phút nữa là được.
- Tắt bếp, cho 1 muỗng canh rượu trắng vào, đảo đều.
Phần rượu này sẽ làm cho món gà tần ngải cứu rất dậy mùi đó nhưng không bắt buộc, tùy sở thích của từng gia đình nha.
- Múc ra bát hoặc âu có vung đậy để giữ ấm nóng khi đưa lên bàn ăn.
Gà tần ngải cứu nên ăn lúc còn nóng ấm. Gắp ra bát miếng thịt gà cùng một chút ngải cứu, nhớ có thêm tý nước hầm, khi ăn nhớ dùng thìa múc thêm ít nước để ăn cùng, sẽ ngon và ngọt hơn rất nhiều đấy.
Món gà tần nổi tiếng với mì tôm gà tần ăn kèm chút giá đỗ, trứng bắc thảo, óc heo chần hay  tim heo. Có thể chấm thêm với muối tiêu chanh.




Chúc các bạn thành công!
(Theo Milkyrich.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét