15/1/18

Bạn biết gì về Sushi cuộn Maki-sushi?

Khi nghe đến từ “sushi”, nhiều người thường nghĩ ngay đến cá sống. Thật ra, sushi maki có thể được làm bằng cá sống, nhưng nó cũng có thể được làm bằng cá đã được nấu chín, hoặc hoàn toàn không cần dùng đến cá.
Maki sushi có thể được làm với bất cứ thành phần nào bạn thích và nó thường hay được làm chỉ với cơm và rau củ.
Maki sushi sau khi được cắt thành những lát nhỏ
Từ “maki” trong tiếng Nhật có nghĩa là "cuộn" nên "maki sushi" có nghĩa là "sushi cuộn". Loại sushi này được làm bằng cách trải đều một lớp cơm sushi lên trên tấm rong biển nori và ở trên cùng là một lớp gồm hải sản hay rau củ rồi sau đó cuộn nó lại. Cuộn sushi sẽ được cắt ra thành những mẩu nhỏ vừa ăn. Tuy nhiên đây chỉ là mô tả chung, thật ra có rất nhiều loại maki sushi khác nhau.

Hosomaki sushi

Hosomaki là thuật ngữ dùng để miêu tả loại sushi cuộn mỏng. Hosomaki thường được làm bằng cơm và các thành phần khác, như cá hoặc rau củ, và được cuộn lại trong tấm rong biển khô. Loại sushi này được mô tả bởi độ mỏng của nó, thường có hình trụ dài và đường kính chỉ vào khoảng 1 inch (2,5 cm). Cá ngừ thường được chọn để làm Hosomaki nhưng các loại rau củ vẫn rất được ưa thích chẳng hạn như dưa leo hay những lát cà rốt.

Uramaki sushi

Uramaki thì hơi khác hơn các loại maki sushi khác bởi vì cơm sau khi được cuộn lại sẽ nằm ở bên ngoài thay vì ở bên trong. Một số người gọi Uramaki là sushi “cuộn từ trong ra”. Nếu như bạn đã từng ăn sushi cuộn kiểu California, thì bạn cũng sẽ không mấy gì lạ với Uramaki. Ở Bắc Mỹ, Uramaki cực kì nổi tiếng và đã đóng góp phần lớn giúp phổ biến các món ăn Nhật Bản tại đây. Tuy nhiên, loại sushi cuộn từ trong ra này lại hiếm khi được thấy ở Nhật Bản.
Uramaki được làm bằng cách đặt miếng rong biển lên trên tấm tre cuộn sushi, rải một lớp mỏng cơm sushi lên ( đảm bảo cho phần cơm dính chặt vào miếng rong biển ), rồi sau đó lật ngược lại. Thêm các thành phần khác vào trên cùng như dưa leo, mayonnaise, thịt cua. Cuối cùng cuộn chúng lại và ấn nhẹ vào cho các thành phần được kết chặt. Kết quả là sau khi cuộn xong, phần cơm sẽ được nằm ở ngoài cùng, trong khi rong biển và các thành phần khác nằm ở bên trong.

Futomaki sushi

Futomaki có nghĩa là “cuộn mập mạp”, một cái tên không gì hợp lý hơn bởi vì cuộn sushi loại này thường lớn hơn những loại khác. Chúng thường có đường kính rộng từ 3,81 – 6,35cm.
Futomaki được tạo thành bởi ba phần: lớp vỏ bọc bên ngoài, lớp cơm sushi và lớp thịt. Cũng giống như các loại sushi khác, lớp vỏ ở ngoài cùng thường được làm bằng rong biển khô và lớp thịt có thể bao gồm nhiều loại thành phần khác nhau mà bạn thích, tuy nhiên người ta thường dùng các loại rau củ nhiều màu sắc để làm lớp thịt cho Futomaki. Trong khi các loại sushi khác chỉ có thể dùng một hoặc hai thành phần để làm lớp thịt, với kích cỡ lớn, Futomaki cho phép bạn sử dụng ba thành phần hoặc nhiều hơn để làm lớp thịt và lớp thịt thường có mùi vị ngon đồng thời cũng đầy màu sắc.

Temaki sushi

Temaki có nghĩa là “cuộn bằng tay” vì loại sushi này có thể được làm từ lòng bàn tay. Nó sử dụng rong biển nori để làm vỏ bọc bên ngoài, bên trong là cơm sushi và nhiều loại thành phần khác nhau để làm lớp thịt. Temaki sushi được làm bằng tay và cuộn thành hình phễu. Loại sushi này rất thú vị và dễ làm. Ở Nhật, “te” có nghĩa là tay, vì thế - Temaki có nghĩa là “cuộn bằng tay” hay “dùng tay để cuộn”.
Temaki thường được ăn ngay sau khi làm xong bởi vì cái phễu được làm từ rong biển khô sẽ hấp thu độ ẩm ướt từ lớp cơm và lớp thịt bên trong, khiến nó mất độ giòn và bị nhũn ra. Nếu Temaki sushi được làm sẵn, nó sẽ thường được giữ trong một miếng giá bằng nhựa hoặc gỗ.
Để làm temaki sushi, trước hết bạn phải lau sạch tay cho thật ráo. Sau đó đặt tấm rong biển lên một lòng bàn tay, nhúng tay kia vào nước để dễ dàng nhào nặn cơm mà không bị dính. Phủ một lớp cơm mỏng lên nửa tấm rong biển nori, rồi rải đều thêm một ít mè. Tiếp theo đặt lên trên cùng miếng cá hồi một góc 45 độ, đồng thời để thêm một lát bơ nhỏ. Tiếp đến cuộn chúng lại thành hình phễu. Để cho miếng rong biển nori không bị sứt ra, bạn phải lấy một hột cơm sushi gắn vào cạnh miếng rong biển và kết dính chúng lại. Thế là xong, việc cuối cùng chỉ là bày ra đĩa và thưởng thức.
Nên nhớ bạn phải ăn ngay temaki sushi càng sớm càng tốt sau khi làm xong trong khi rong biển nori vẫn còn giữ được độ giòn, độ giòn càng lớn ăn sẽ càng ngon.
(Nguồn Monnhatban)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét