Không nhất thiết cứ vào dịp tết Đoan Ngọ mà ngày thường thôi nhà mình vẫn có cơm rượu để ăn, cơm rượu có thể dùng sau bữa ăn như 1 món tráng miệng giúp tiêu hoá tốt hoặc giữa buổi, ăn cùng với yaourt cũng rất ngon…
1. Nguyên liệu
- 1 kg gạo nếp lật (nếp lứt) (là loại gạo nếp chưa được xát bỏ lớp cám)
- 15 g men ngọt
- Rổ thưa, lá chuối xanh
2. Cách làm
- Ngâm gạo nếp với nước ấm khoảng 8 tiếng cho mềm ra, nhặt sạch vỏ, hạt đen, vo gạo sơ qua nước cho sạch (không nên vo gạo kĩ sẽ mất đi Vitamin B1), để ráo.
- Chẩn bị xửng hấp, nước sôi cho xửng lên hấp, làm giống như đồ xôi. Hấp đến khi thấy hạt gạo chín, bỏ ra ngâm vào chậu nước lạnh, nhấc cho ráo bớt nước rồi cho lên bếp hấp tiếp, gần được đảo lên cho xôi chín mềm đều (vì nếp lật lâu chín hơn nếp cái bình thường nên hấp 2 lần giúp cho cơm chín mềm hơn và cũng ngon hơn, thời gian cho 2 lần hấp tổng cộng khoảng 1,5 tiếng).
- Cơm nếp chín cho ra đĩa lớn hoặc mâm, xới và dàn đều cơm cho nhanh nguội, để cơm nếp nguội hoàn toàn.
- Men rượu đem giã thật mịn.
- Khi nếp đã nguội hoàn toàn, lấy ½ số men rây vào, trộn cho men dính đều vào cơm.
- Lá chuối xanh rửa sạch để ráo, chuẩn bị 1cái rổ thưa, xếp lá chuối lên, rắc 1 lớp men mỏng lên lá chuối.
- Cho cơm đã trộn men ở trên vào ( chia thành nhiều phần nhỏ để cho vào, sau mỗi lần cho cơm vào mình rắc thêm ít men còn lại và trộn cho đều). khi cơm đã cho vào hết, rắc 1 lớp men mỏng lên trên cùng.
- Sau cùng đậy lá chuối lên, lấy vật nặng đè lên (cái đĩa sâu lòng úp lên). Đặt rổ lên cái tô lớn, khi cơm rượu ngấu nước sẽ thoát ra ngoài và chảy xuống dưới tô.
- Đề phòng kiến và gián nên cho cả cái tô này trong 1 đĩa lớn đổ ngập nước, bên trên cũng đậy thêm 1 cái đĩa lớn nữa (như hình) (đậy kín thế này khỏi sợ con gì chui vào luôn). Để ủ ở nhiệt độ phòng khoảng gần 2 ngày là có thể ăn được rồi.
- Bỏ cơm rượu đã ngấu vào âu có nắp đậy, phần nước rượu chảy xuống dưới tô đổ lại lên cơm rượu,trộn đều, để tủ lạnh dùng dần (cơm rượu để tủ lạnh được khá lâu mà cũng không bị lên men cay).
- Cơm rượu đạt là khi hạt cơm ngấu mềm, ngọt, bùi, căng mọng, thơm nhẹ mùi rượu. …ngồi nhấm nháp từng hạt ta cũng có thể cảm nhận rõ vị ngọt ngào, thơm nồng rất đặc trưng của món cơm rượu.
Chúc các bạn thành công!
(Theo Aloha Do)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét