Vị ngọt dịu, thanh mát tan ngay đầu lưỡi của bánh Namagashi Nhật Bản luôn khiến ai cũng mê mẩn. Bỏ chút thời gian làm loại bánh “nghệ thuật trên cả nghệ thuật” này sẽ khiến cả gia đình bạn được sẽ xua tan ngay cảm giác ngấy đồ ăn của ngày Tết.
Chiếc bánh Namagashi được ví như là “bông hoa tinh tế” của nền nghệ thuật ẩm thực Nhật Bản. Loại bánh này cũng được coi là biểu tượng cho đôi bàn tay tài hoa, sự tỉ mẩn và kiên trì của người phụ nữ.
Du nhập vào Việt Nam từ những người mê bánh trái, bánh Namagashi nhanh chóng “được lòng” chị em bởi sự ngon mắt và ngon miệng của nó. Tết này, nhiều chị em đã hào hứng rủ nhau làm bánh Namagashi trưng bày Tết, tiếp khách, thay vì sử dụng bánh kẹo mua sẵn ngoài tiệm.
1. Nguyên liệu
- 1 kg đậu đỏ
- 1 kg đậu trắng loại nhỏ cho vị thơm ngon. Không chọn loại đậu to (để nấu chè) vì ăn sẽ nhạt hơn đậu nhỏ
- Bột nếp Nhật
- Đường kính trắng
2. Cách làm
2.1. Làm vỏ bánh Namagashi
- Phần vỏ bánh được làm từ tinh bột đậu trắng. Đậu trắng làm phần vỏ bánh nên chọn loại đậu nhỏ.
- Đậu trắng ngâm qua đêm cho nở rồi bóc vỏ.
- Luộc sôi 3 lần, hớt bọt, tới lần thứ 4 mới ninh nhừ, xay thật nhuyễn. Đổ qua rây, lọc lấy bột bằng vải kate.
- Trộn thật đều 1kg tinh bột đậu trắng với 300g đường kính trắng và 50g bột nếp Nhật.
- Sên đậu bằng lò vi sóng công suất cao nhất, thời gian tỉ lệ thuận với số kg tinh bột (1kg – 10 phút, 500g -5 phút, 200g – 5 phút...).
2 lần đầu sên số phút bằng nhau, lần thứ 3 giảm đi 1 nửa, càng về sau càng giảm thời gian đi để tránh bột khô. Sên bột tới khi bột không dính cây vét, không dính tay là bột đạt.
2.2. Nhân bánh Namagashi
- Phần nhân bánh làm từ tinh bột đậu đỏ.
- Đậu mua về ngâm qua đêm, rửa sạch. Cho vào nồi đổ nước ngập, đun sôi, hớt bọt, sôi tầm 5hút tắt bếp đổ nước đi, thay nước mới vào hầm thật nhừ.
- Đậu hầm nhừ khoảng 30 phút, cho vào máy xay sinh tố xay thật nhuyễn, sau đó đổ qua rây để bỏ vỏ. Dùng vải kate vắt lấy tinh bột, nước đậu nấu có thể uống.
- Trộn 1 kg tinh bột đậu đỏ với 350g đường kính trắng.
- Sên đậu bằng lò vi sóng đến khi bột không dính tay bột là đạt.
Nhân này sẽ cần nhiều, có thể làm để tủ đá được 2 tháng, dùng dần.
2.3. Tạo hình
Đây là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mẩn, cầu kỳ nhất và tạo ra nhiều niềm vui, hứng khởi nhất cho người làm bánh.
Bánh được tạo hình bông hoa, con cá, quả cam, lá phong… Mỗi chiếc bánh như là một tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ, có đường nét, màu sắc hài hòa.
2.4. Thưởng thức
- Cắt bánh thành từng miếng nhỏ (thường cắt thành bốn).
- Dùng kèm với trà rất hợp vị.
Chúc các bạn thành công!
Thu Hà (Ảnh: NVCC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét