8/2/18

Chẳm chéo

Với đồng bào Thái ở Tây Bắc, Chẳm Chéo hay Chẩm Chéo là món chấm không thể thiếu trong mỗi bữa cơm. Đây cũng là món ăn dân dã gắn liền với cuộc sống của đồng bào. Khi lên nương, bà con gói cơm kèm theo chẳm chéo. Sau mỗi buổi cuốc nương, chị em lại đi bẻ măng, hái rau rừng về luộc để chấm với món chẳm chéo. Hương vị cay cay, tê tê và mùi thơm của tỏi, rau mùi lan toả, đã ăn một lần thì nhớ mãi. 
Món Chẳm Chéo này đa phần do bà con đồng bào Thái Đen ở Điện Biên, Sơn La sử dụng, chứ người Thái Trắng ở Lai Châu hầu như không biết! 
“CHẲM” trong tiếng Thái nghĩa là “Thức Chấm”! “CHÉO” nghĩa là mùi thơm của nhiều loại rau kết hợp lại. Thực tế có rất nhiều loại “CHẲM”, tùy thuộc vào mục đích sử dụng chấm đồ ăn gì mà có loại “Chẳm” phù hợp! Ví dụ:
  • Làm nước chấm rau Má: Bắt buộc phải có 1 loại quả rừng tên gọi là mắc có, kết hợp với thịt băm hoặc cá suối nướng băm nhỏ + ớt + rau thơm….
  • Làm nước chấm măng: Như đồng bào Thái Trắng thì lại chỉ sử dụng rau húng dũi băm nhỏ, thêm hạt dổi, ớt, muối rồi chế thêm nước sôi….
Có rất nhiều loại “Chẳm” nhưng nếu ở dưới đồng bằng, có muốn thưởng thức cũng khó vì nguyên liệu để làm không có. Riêng với món “Chẳm Chéo” thì lại đơn giản hơn rất nhiều, nguyên liệu dễ kiếm, dễ làm.

1. Nguyên liệu

- Hạt mắc khén: Bắt buộc phải có hạt này, thì món Chẳm Chéo mới có mùi vị thơm ngon đặc trưng của Tây Bắc.
- Hạt dổi: 2 - 3 hạt, nướng thơm
- Ớt tươi, tỏi
- Gừng: 1 miếng nhỏ
- Muối hoặc bột canh
- Rau thơm: Húng dũi, mùi tàu, rau mùi

2. Cách làm

- Mắc khén rang, giã/ xay thành bột. (nếu các bạn đã có bột Mắc Khén rồi thì bỏ qua bước này).
- Hạt dổi nướng thơm.
- Ớt tươi phải nướng cho hơi héo, để làm bớt vị hăng của ớt trong khi vẫn giữ được vị cay.
- Tỏi bóc vỏ. Gừng chỉ dùng 1 miếng nhỏ, nhiều quá sẽ át hết mùi thơm của các loại gia vị khác.
- Rau thơm các loại rửa sạch.
- Cho tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị vào cối, giã thật nhỏ, càng nát mịn càng ngon. Riêng đối với mắc khén, chỉ nên cho 1 thìa nhỏ khi giã, số mắc khén còn lại để trộn thêm vào bát Chẳm Chéo khi đã làm xong! Như vậy dễ điều chỉnh mùi thơm và khẩu vị hơn.

3. Lưu ý

- Tuyệt đối không cho thêm Nước Mắm vào Chẳm Chéo.
- Các bạn có thể thêm 1 củ sả vào giã chung với chẳm chéo, nếu thích.
- Trong trường hợp chấm các món khó dính như Măng Củ, các bạn cho thêm 1 - 2 thìa nước trắng vào Chẳm Chéo để tạo độ dẻo và kết dính hơn khi chấm.
- Bảo quản: Chẳm Chéo sau khi giã xong nên sử dụng trong ngày. Nếu muốn giã nhiều để sử dụng trong vài ngày thì hãy cho Chẳm Chéo vào lọ, đóng kín nắp, để trong ngăn mát tủ lạnh có thể bảo quản được cả tuần.

4. Chẳm chéo dùng với món gì?

Chẳm Chéo chấm món gì cũng hợp, đem lại mùi vị thơm ngon đặc biệt lắm. Nhưng có thể kể ra dùng để chấm mấy món sau là đúng vị Tây Bắc nhất:
- Chấm măng luộc (tiếng Thái gọi là NÓ TỦM), đặc biệt là món măng đắng, dù luộc hay nướng thì măng chấm Chẳm Chéo cực kì hợp.
- Chấm thịt luộc, hoặc các món như lòng, dạ dày (bao tử), gan luộc.
- Chấm xôi. Chỉ cần vài nắm xôi trắng được đồ từ thứ nếp nương Tây Bắc, thêm chút Chẳm Chéo là no căng.

5. Video hướng dẫn

Chúc các bạn thành công!
(Theo HOABANFOOD)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét