Rất nhiều chị em đang tìm và chia sẻ công thức làm trà sữa trân châu hoa đậu biếc vừa ngon lại đẹp mắt này.
1. TRÂN CHÂU HOA ĐẬU BIẾC DẺO
1.1. Nguyên liệu
- Bột năng: 150g (có thể chỉ dùng một mình bột năng mà không cần bột gạo tẻ)
- Bột gạo tẻ: 20g
- Đường cát trắng: 40g
- Hoa đậu biếc khô: 5g
- Nước đun sôi còn nóng già: 200ml
1.2. Cách làm
- Cho 5g hoa đậu biếc vào bát.
- Sau đó đổ 200ml nước nóng già vào, đợi khoảng 10 phút thì dùng cái rây lọc lấy nước cốt hoa đậu biếc và bỏ phần bã hoa.
- Trộn đều bột năng, bột gạo tẻ, đường cát trắng với nhau.
- Nước cốt hoa đậu biếc cho lên nồi đun lại cho sôi già, rồi từ từ đổ vào bát bột (lưu ý nước phải thật nóng già mới nhồi được bột, nước nguội hơn sẽ làm cho phần bột lỏng ra không nhào được).
Vừa đổ vừa khuấy, lúc này bột sẽ có kiểu nửa sống nửa chín và khá nóng, dùng thìa đảo một lúc cho bột bớt nóng rồi đeo bao tay vào nhồi bột. Nếu bột còn dính thì cho thêm bột năng, nhồi đến khi dẻo mịn không dính tay là được, lưu ý không nhào bột khô cứng quá sẽ không vo được viên.
- Bọc bột vào màng bọc thực phẩm, tránh bột bị khô, để bột nghỉ 10 phút rồi đem ra vê viên.
Vê đến đâu rắc chút bột năng vào các viên bột tránh tình trạng bị dính vào nhau. Có thể đem sấy qua 10 phút ở nhiệt độ 100 độ mở cửa lò hoặc có lò sấy riêng thì sấy ở nhiệt độ thấp hơn sau đó cho vào hộp để ngăn đá tủ lạnh dùng dần.
- Đun sôi nồi nước, thả trân châu vào luộc, đợi khi trân châu nổi lên thì đừng vớt ra vội. Hãy tắt bếp đậy vung ủ trân châu trong nồi thêm 30 phút nữa để trân châu được chín hoàn toàn giữ được độ dẻo, dai lâu hơn.
- Sau khi ủ xong 30 phút vớt trân châu ra bát nước lạnh, trân châu nguội tiếp tục vớt ra cái bát, thêm vào chút mật ong hoặc nước đường đậm đặc vậy là xong.
Lưu ý: Trường hợp trân châu để từ sáng tới chiều bị cứng thì cho trân châu vào lò vi sóng quay 15-20 giây là trân châu lại dẻo lại, cố gắng ăn đến đâu luộc đến đó vì luộc nhiều ăn không hết để tủ lạnh sẽ bị cứng.
2. TRÂN CHÂU HOA ĐẬU BIẾC GIÒN
Có hai cách làm: viên bi tròn làm bằng lọ nhựa đựng tương cà và viên hình trụ làm từ ống hút to. Hai loại trân châu này có nguyên liệu khác nhau và cách làm cũng khác nhau.
2.1. Viên thạch trân châu tròn (trân châu thuỷ tinh)
*Nguyên liệu:
- Bột rau câu konnyaku: 10g
- Nước cốt hoa đậu biếc đã hãm: 100ml (hãm khoảng 10 bông với 100ml nước sôi nóng già, lọc lấy nước cốt thu được 100ml)
- Nước trắng để nguội: 250ml
- Đường cát trắng: 100g đường
- Một bát nước to có cả đá và nước thật lạnh
- 150ml dầu ăn
- Lọ đựng tương cà bằng nhựa có đầu để bóp hoặc dùng xi-lanh ống to
*Cách làm:
- Chuẩn bị một bát to nước đá, có cả nước và đá thật lạnh, đổ 150ml dầu ăn lên bề mặt nước đá trong bát để riêng.
- Trộn bột rau câu với đường, đổ hết phần nước trắng và nước hoa đậu biếc vào nồi, khuấy cho tan, bật bếp chế độ lửa nhỏ vừa, không khuấy để yên cho đến khi sôi lăn tăn. Đợi sôi hẳn khuấy đều, tắt bếp nhấc nồi ra.
- Đợi thạch bớt nóng nhưng cũng không được để nguội quá thạch sẽ nhanh đông, dùng muôi múc hỗn hợp thạch vào chai đựng tương cà (mọi người xem hình và mua các siêu thị đều có), hoặc dùng xi lanh to để bơm đều được, vì thạch dễ đông cứng nên thao tác cần nhanh chóng, chai đựng thạch có phần vòi để bóp thạch ra từ từ hạ chai vào bát nước đá.
- Không nên bóp mạnh quá dễ làm thạch phun thành dòng, cứ từ từ bóp thật nhẹ nhàng vào những chỗ có dầu nổi lên mặt nước, thạch sẽ đông lại thành viên trước khi chìm xuống nước và nguội hẳn.
- Nhớ nhỏ cách nhau giữa viên thạch trước và sau để tránh tình trạng hai viên dính vào nhau, nếu trong quá trình làm đá tan thì thêm đá vào, luôn luôn giữ nước thật lạnh hạt trân châu mới tròn được.
Mới đầu chưa quen tay sẽ bị lỗi khó bóp thành từng giọt, thậm chí phun thành dòng và hạt trân châu chưa được tròn đều nhưng làm vài lần sẽ quen, cứ nhẹ nhàng từ từ. Ai mới làm lần đầu có thể sử dụng dụng cụ bơm xi lanh loại to sẽ dễ hơn bóp chai. Xi lanh này mua ở hiêu thuốc, loại to nhất.
- Làm lần lươt cho đến hết, chỗ thạch còn lại trong nồi luôn giữ ấm nóng tránh bị đông. Sau khi xong rửa lại thạch dưới vòi nước nhiều lần cho hết dầu ăn, vắt một ít nước cốt chanh bóp nhẹ nhàng cũng làm thạch sạch dầu ăn hơn.
- Rửa sạch xong trộn với ít siro đường, hoặc nước đường đậm đặc là xong.
2.2.. Viên thạch trân châu hình trụ làm bằng ống hút to
*Nguyên liệu:
- 5g bột thạch rau câu dẻo (lúc mua cứ nhìn bên ngoài có chữ jelly là dẻo)
- 1g bột thạch rau câu giòn (có chữ agar)
- 10g rau câu sợi (mua trong siêu thị, loại hay dùng để làm nộm)
- 100g đường cát trắng
- 500ml nước nguội
- Chuẩn bị ống hút loại to
*Cách làm:
- Trộn bột rau câu dẻo, giòn và đường cát với nhau cho đều.
- Đổ tất cả các nguyên liệu trên cùng với 100g đường vào nồi, khuấy đều cho tan đường và để nguyên 15 phút cho rau câu nở.
- Rau câu sợi ngâm nước trắng cho mềm, vớt ra thái thật nhỏ để riêng.
- Bật bếp đặt nồi rau câu đã ngâm sau 15 phút ,đợi rau câu sôi thì khuấy đều và lúc này đổ hết phần rau câu sợi vào nồi chưa tan hết mà hơi lợn cợn thì không ảnh hưởng gì. Phần nguyên liệu này góp phần làm cho thạch trân châu giòn và dai hơn các loại bột thạch khác đó, quan trọng lúc thái chúng ta thái nhỏ phần rau câu sợi ra).
- Chuẩn bị hộp đựng thạch, đổ hết phần thạch vừa nấu xong vào hộp thạch với độ dầy khoảng hai đốt ngón tay.
- Đợi thạch nguội, đông cứng, chưa cần cho vào tủ lạnh. Đi bao tay gỡ miếng thạch ra đặt lên một khay nướng vỉ giống trong hình của mình, bên dưới đặt đĩa hoặc bát to.
- Dùng ống hút xiên thẳng vào miếng thạch, miếng thạch được tạo bằng ống hút sẽ rơi xuống dưới bát, hoặc nếu nó nằm trong ống hút thì bóp nhẹ cho nó ra.
- Làm lần lượt cho đến hết, miếng thạch còn lại không dùng ống hút xiên được nữa thì thái miếng nhỏ vẫn dùng được không nên bỏ đi.
- Bảo quản thạch trân châu trong tủ lạnh. Với loại thạch này ăn giòn dai ngon hơn so với viên bi tròn làm từ bột thạch konnyaku và không bị chảy nước như viên bi tròn làm từ bột thạch Konnyaku.
3. CÁCH LÀM TRÀ SỮA
*Nguyên liệu:
- 15g trà lài (trà mạn, nên dùng các loại trà có màu nhạt để làm nổi màu hoa đậu biếc, không nên dùng các loại trà như trà đen)
- 10g hoa đậu biếc khô
- 1 lít nước sôi có nhiệt độ: 90 độ
- Dụng cụ đựng và hãm trà
- Nước đường nấu thật đậm đặc
*Cách làm:
- Trộn hoa đậu biếc khô và trà lài với nhau, đun sôi nước đổ vào trà tráng qua một lần, đợi nước hạ xuống 90 độ đổ vào trà hãm lấy nước trong 15-20 phút.
- Trà nguội cất vào ngăn mát tủ lạnh. Tốt nhất để qua đêm cho trà lạnh sâu.
4. THỰC HIỆN PHẦN BỌT SỮA (MILK FOAM)
Có rất nhiều cách thực hiện:
- Cách 1: 150ml topping base; 150ml whipping cream; 5gr bột mix dùng trong pha chế (không tìm được có thể bỏ qua); 1/4 thìa cà phê muối tinh.
- Cách 2: 150ml topping base; 150ml kem béo Rich lùn; 100ml sữa tươi không đường; 1/4 thìa cà phê muối tinh.
- Cách 3: 100ml kem béo Rich; 50ml topping base; 3 miếng phô mai con bò cười; 4 thìa cà phê váng sữa vị vani.
- Cách làm: Cách 2 (ngon nhất):
Cho topping base, kem béo rich vào âu dùng máy đánh trứng đánh tốc độ thấp nhẹ nhàng trong 20 giây, tiếp đến cho sữa tươi và muối vào đánh thêm 20 giây nữa, không đánh bông cứng và thành chóp, đánh xong nhấc que đánh trứng lên hỗn hợp chảy thành dòng không đặc, không lỏng quá là được.
Nếu nhỡ tay đánh đặc quá thì lại cho thêm sữa tươi vào dùng phới lồng cầm tay đánh cho loãng ra. Bọc thật kín để ngăn mát tủ lạnh ít nhất 3h, khi cho lớp kem vào ngăn mát sẽ có hiện tượng hơi đông lại thì lấy thìa ngoáy nhẹ nhàng một lúc là hỗn hợp lại loãng ra.
- Các cách khác cũng gần như vậy, nếu thêm phô mai thì phải đánh tan mịn phô mai và váng sữa trước khi đánh cùng hỗn hợp khác.
5. HOÀN THIỆN TRÀ SỮA TRÂN CHÂU HOA ĐẬU BIẾC
- Cho trân châu vào cốc trước, tiếp đến đổ trà hoa đậu biếc, nước đường tuỳ khẩu vị để điều chỉnh cho vừa ý, khuấy đều, tiếp đến là lớp đá viên, cuối cùng đổ lớp kem sữa lên trên bề mặt trà là xong.
Lưu ý: Tất cả cách làm trên có thể áp dụng cho các loại trà sữa khác, chỉ cần thay chút nguyên liệu: ví dụ như muốn làm thạch trân châu dẻo thay màu hoa đậu biếc thành bột cacao hoặc trà xanh, muốn làm phần trà sữa thay trà mạn hoa đậu biếc bằng hồng trà, thêm sữa đặc, đường, bột kem sữa...
Chúc các bạn thành công!
(Theo Tô Hưng Giang/ Eva.vn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét