THẾ GIỚI ẨM THỰC

Sữa - Sữa chua

Tất tần tật về "Sữa chua Homemade"

PHẦN I - NHỮNG LƯU Ý TRONG LÀM SỮA CHUA TẠI NHÀ


*Quy trình làm sữa chua thường gồm các bước chính là:
1. Chuẩn bị và tiệt trùng dụng cụ
2. Chuẩn bị sữa và men
3. Trộn men với sữa
4. Đổ sữa chua vào dụng cụ đựng và ủ
5. Làm lạnh sau khi ủ
Mình sẽ viết và giải thích những điều nên làm và cần tránh trong từng bước ở dưới. Phần giải thích hơi dài, nên nếu không có thời gian đọc thì các bạn chỉ cần nhớ những điều mà mình in đậm thì khi làm sữa chua sẽ yên tâm là không bị hỏng.

1. Chuẩn bị và tiệt trùng dụng cụ

LUÔN tiệt trùng các loại dụng cụ làm sữa chua, gồm: lọ đựng, muôi, thìa dùng để quấy sữa, rây để lọc (nếu dùng), thìa đong, cốc đong...
- Cách tiệt trùng đơn giản nhất là ngâm các loại dụng cụ này trong nước đun sôi, trong khoảng 30 giây rồi vớt ra, để khô hoàn toàn trong không khí. Thường thì mình hay bật lò nướng khoảng 80 - 100 độ C rồi cho các lọ đựng sữa vào, sau khoảng 2 - 3 phút là mọi thứ khô cong, đảm bảo không còn nước đọng. Mình thích dùng cách này hơn là lau bằng giấy hoặc khăn vì có thể khăn hoặc giấy cũng không được sạch.
- Cần tiệt trùng dụng cụ, đặc biệt là lọ đựng sữa, vì nếu dụng cụ bẩn, có nhiễm tạp khuẩn thì có thể sẽ làm sữa chua của bạn bị hỏng, ví dụ: có màu, mùi, vị lạ (màu xanh, vàng, mùi không thơm, vị đắng...).

2. Chuẩn bị sữa và men

*Hỗn hợp sữa có hàm lượng Protein cao và sữa có nhiều chất béo sẽ cho sữa chua đặc hơn.
*NÊN đun nóng hỗn hợp sữa đến khoảng 80 - 85 độ C (175 - 185 độ F) rồi để sữa nguội về 38 - 43 độ C (100 - 110 độ F) mới dùng.
- Các bạn có thể dùng bất kì loại sữa nào mà bạn thích để làm sữa chua, ví dụ: sữa đặc có đường, sữa tươi có/ không đường, sữa bột, sữa nguyên kem, tách béo,... Hoặc có thể pha trộn các loại sữa với nhau. Nhìn chung, sữa có nhiều protein hơn và nhiều chất béo sẽ cho sản phẩm đặc hơn, mùi vị cũng thơm ngon hơn. Chẳng hạn, sữa đặc pha sữa tươi sẽ cho sữa chua đặc hơn là sữa đặc pha nước. Hoặc sữa chua sẽ đặc hơn nếu trong hỗn hợp sữa có pha thêm sữa bột.
- Việc đun sữa đến 80 - 85 độ C có một số lợi ích như sau:
  • Giúp sắp xếp lại các Protein trong sữa, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình lên men trong khi ủ.
  • Giúp diệt các vi khuẩn có hại, chỉ để lại vi khuẩn có lợi cho quá trình lên men, giúp sữa chua thành phẩm đặc hơn.
  • Hạn chế tách nước ở sữa chua thành phẩm.
- Men hoạt động tốt nhất trong khoảng 32 - 48 độ C, và sẽ chết nếu gặp nhiệt độ từ 54 độ C (130) độ F trở lên. Vì vậy nên cần phải để sữa nguội về khoảng 32 - 48 độ C mới dùng (tốt nhất là 40 - 43 độ C).
- Một số tài liệu cho rằng sữa tươi thanh trùng (loại bảo quản lạnh, dùng trong khoảng 10 - 14 ngày) tốt hơn sữa tươi diệt khuẩn (UHT - loại có thể để ở nhiệt độ phòng trong khoảng 1 năm). Mình đã dùng cả hai loại và thấy không có gì khác nhau. Kể cả khi dùng UHT thì vẫn nên đun sữa đến 80 - 85 độ C nhé.
* Chọn men còn TƯƠI MỚI.
* Trước khi làm, để men ở nhiệt độ phòng cho men bớt lạnh rồi mới dùng.
* Dùng ÍT men thì tốt hơn dùng nhiều. Tỉ lệ thông thường giữa lượng men so với lượng sữa (tính theo ml) là từ 1/20 đến 1/15 (tối đa 60ml men sữa chua cho 1 lít sữa).
- Men làm sữa chua thường được lấy từ sữa chua thành phẩm. Ngoài ra, cũng có loại men khô, nhưng mình chưa dùng loại này bao giờ nên không rõ lắm. Men càng mới (sữa chua mới làm) sẽ cho sản phẩm càng tốt. Vì vậy nên khi chọn mua men (từ sữa sản xuất công nghiệp chẳng hạn), các bạn nhớ để ý ngày sản xuất và hạn sử dụng nhé.
- Nếu dùng men từ sữa chua tự làm tại nhà, không nên dùng men trong hũ sữa đã để quá 7 ngày.
- Nên để men ở nhiệt độ phòng để men bớt lạnh. Khi trộn men với sữa sẽ dễ hòa tan hơn.
- Một hiểu lầm thường gặp khi làm sữa chua là càng nhiều men thì sữa càng đặc nhanh và càng chua hơn. Thực tế hoàn toàn ngược lại. Trong quá trình lên men, vi khuẩn men sẽ lấy thức ăn (lactose) từ sữa và sản xuất ra acid lactic, giúp sữa có mùi chua và protein trong sữa đông đặc lại. Khi cho quá nhiều men, lượng vi khuẩn nhiều mà sữa lại ít -> thiếu thức ăn, men hoạt động không ổn định và sữa thành phẩm cũng bất ổn.
Các tài liệu hướng dẫn cách làm sữa chua của nước ngoài mà mình đã đọc thường dùng lượng men bằng khoảng 3% so với lượng sữa. Tức là, nếu tổng lượng sữa của bạn là 1 lít thì men chỉ dùng khoảng 30 -40 ml (khoảng 2 thìa canh/ tablespoon). Mới đầu nghe thì cảm giác rất ít, nhưng bản thân mình đã tự "làm thí nghiệm" với các tỉ lệ men khác nhau: men bằng 2%, 5%, 10% và 25% so với lượng sữa. Kết quả là kể cả khi chỉ có 2% men, sữa vẫn đông và ngon lành.
Khi có ít men (dưới 5%) thì sữa rất mềm, mịn và creamy (rất giống với sữa chua mà người phương Tây ưa chuộng). Men càng nhiều thì sữa càng "cứng" và đặc hơn. Vì vậy nên với khẩu vị của người Việt Nam, thích sữa chua đặc thì mình nghĩ có thể dùng khoảng 6 - 10% men so với sữa. Nhưng không nên dùng nhiều hơn so với mức này vì sữa chua sẽ dễ bị nhớt, kém mịn màng và dễ tách nước.
*Lưu ý: Tùy vào loại sữa và men sử dụng mà tỉ lệ này có thể sẽ thay đổi, độ đặc lỏng cũng thay đổi. Nhưng tỉ lệ men dưới 10% so với lượng sữa là một tỉ lệ tương đối an toàn.

3. Trộn men với sữa

* Trộn nhẹ nhàng, không nên quấy đảo mạnh tay.
* Trộn đều men với sữa, tránh hiện tượng men vón cục, không hòa tan hết trong sữa.
- Việc quấy đảo nhiều có thể làm yếu hoạt động của men. Thường nếu men đã về nhiệt độ phòng, thì chỉ cần cho 1 - 2 muôi sữa vào lắc hoặc quấy nhẹ là men đã có thể hòa đều trong sữa.
- Cần làm cho men hòa quyện đều trong sữa, tránh để hiện tượng men bị vón cục (thường gặp khi men vẫn còn lạnh). Vì các cục vón này tập trung nhiều men, sẽ lắng xuống dưới, gây ra hiện tượng bị nhớt ở đáy cốc.

4. Ủ sữa chua

* Nên ủ ở nơi ấm áp, để nhiệt độ sữa chua dao động trong khoảng 32 - 48 độ C.
* KHÔNG ủ với nhiệt độ quá cao, men sẽ chết nếu gặp nhiệt độ cao hơn 54 độ C.
* KHÔNG di chuyển hũ đựng sữa chua hay lắc mạnh hũ sữa trong khi ủ.
- Men sữa chua hoạt động tốt và mạnh nhất trong khoảng nhiệt từ 32 - 48 độ C (90 - 120 độ F). Dưới nhiệt độ này, men sẽ hoạt động rất chậm hoặc hầu như không hoạt động, làm cho sữa chua không đông và không có vị chua. Nếu nhiệt độ quá cao, men có thể sẽ bị chết.
- Nếu duy trì được mức nhiệt của sữa ở khoảng 37 - 43 độ C, với lượng men như nêu trong mục 3, thì chỉ sau khoảng 4 - 6h là sữa sẽ đông lại và có vị chua dịu.
-Có nhiều cách ủ khác nhau như dùng lò nướng, dùng nồi cơm điện, lò vi sóng, thùng xốp, nồi áp suất, hoặc nếu trời nắng, có thể phơi sữa dưới nắng. Chỉ cần đạt được yêu cầu giữ ấm như trên là ổn.
 +Ủ bằng lò nướng: bật lò ở 75 độ C trong khoảng 5 phút để nhiệt độ trong lò ở khoảng 70 - 80 độ C rồi cho sữa vào. Sữa sẽ được từ từ làm ấm dần lên đến khoảng 40 - 45 độ C. Khoảng 2 tiếng sau thì làm nóng lò lại ở 50 độ C trong khoảng 2 - 3 phút rồi tắt lò. Ủ thêm 1,5 - 2h nữa, tổng cộng hết 4h ủ là có sữa chua đặc.
 +Nếu bạn dùng các dụng cụ khác như nồi cơm, nồi ủ, lò vi sóng... thì có thể dùng nước nóng để duy trì nhiệt độ ấm cho sữa. VD có thể đặt sữa trong khay đựng nước nóng khoảng 80 độ C rồi để vào lò vi sóng, nồi ủ.. (tương tự với nồi cơm điện). Sau một thời gian, khi nhiệt độ và nước trong nồi nguội bớt thì đổ thêm nước nóng mới. Lưu ý là tùy tình trạng nhiệt độ bên trong dụng cụ ủ mà thêm nước nóng, có thể sẽ không cần quá nhiều, tránh việc để nhiệt độ tăng quá cao làm chết men. Thường thì mình thấy chỉ cần giữ cho vỏ cốc đựng sữa chua luôn hơi âm ấm là ổn.
- Một số công thức sữa chua có hướng dẫn làm nóng lại dụng cụ ủ bằng cách bật lại nồi cơm hoặc bật bếp đun sôi nước trong nồi. Nếu làm theo cách này, cần có một lớp lót để cách nhiệt giữa cốc sữa và đáy nồi, nếu không, nhiệt độ cao từ đáy nồi có thể gây chết men hoặc làm tách nước ở đáy cốc.
- Trong quá trình ủ, cố gắng hạn chế đụng vào cốc sữa vì việc này có thể làm ảnh hưởng đến quá trình đông đặc của sữa, làm các kết nối bị vỡ, dẫn đến việc sữa bị vữa hoặc tách nước.
- Thời gian ủ có thể dao động từ 4 - 24h, tùy theo nhiệt độ ủ, lượng men và thành phần trong sữa. Tuy nhiên, ủ trong thời gian càng ngắn (bằng cách giữ nhiệt độ ở mức lý tưởng cho hoạt động của men) sẽ càng tốt hơn. Nhiệt độ ủ quá thấp và thời gian ủ lâu cũng có thể làm sữa bị nhớt.

5. Làm lạnh sữa chua sau khi ủ

Việc làm lạnh sữa sẽ giúp cho quá trình lên men chậm lại, giữ cho sữa không bị chua quá và có thể để được lâu (sữa chua có thể bảo quản trong tủ lạnh từ 2 - 3 tuần, nếu dùng để làm men cho mẻ tiếp theo thì trong khoảng 1 tuần).

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

PHẦN II - CÔNG THỨC LÀM SỮA CHUA

(Có đường _ Không đường _ Sữa chua uống)


Tuy là món ăn đơn giản và dễ làm, nhưng chất lượng sữa chua tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như loại sữa sử dụng, loại men, chất lượng men, thao tác khi trộn men, nhiệt độ ủ.... Bởi vậy nên không có công thức nào là "chuẩn" cho sữa chua. Và khi sữa chua có vấn đề, đoán nguyên nhân chính xác cũng khá khó. Cho nên cách tốt nhất để làm sữa chua thành công, là nắm được các nguyên tắc cơ bản trong PHẦN I và cố gắng tuân thủ nguyên tắc này một cách triệt để, có lẽ sẽ giảm thất bại được đến mức tối đa.

CÔNG THỨC SỮA CHUA
Số lượng: 8 cốc nhỏ (dung tích 125 ml)

1. Nguyên liệu

  • 60 - 100 ml sữa chua (có hoặc không đường) làm men cái để cho hết lạnh ở nhiệt độ phòng
  • 840 ml sữa tươi không đường
  • 160 ml sữa đặc có đường

Mùi vị sữa chua như thế nào phụ thuộc khá nhiều vào nguyên liệu, nên nguyên tắc chung vẫn là nguyên liệu càng ngon, càng tốt thì sữa chua thành phẩm sẽ càng ngon.

* Một vài ghi chú về nguyên liệu:

a. Sữa chua dùng để làm men cái

- Cần chọn loại tươi mới. Sữa chua cũ, gần hết hạn có thể sẽ có lượng vi khuẩn men ít, hoạt động yếu, làm cho sữa lên men chậm, sữa sẽ kém chua hoặc đông chậm hay không đông.
- Nếu dùng sữa chua tự làm để làm men cái, nên dùng sữa mới được làm trong vòng 1 tuần.
- Một số hướng dẫn của người Mỹ mà mình đã đọc có lưu ý là nếu chọn mua sữa chua tại siêu thị làm men cái, cần lưu ý trên nhãn sữa phải có ghi chú "live cultures" (tức là có chứa vi khuẩn lên men còn sống/ còn hoạt động). Ngoài ra, trong số các vi khuẩn men này, cần phải có hai loại là lactobacillus bulgaricusstreptococcus thermophilus thì mới dùng để lên men sữa chua được. Có lẽ các bạn ở US sẽ cần để ý điều này hơn. Còn như ở Bỉ thì sữa chua trong siêu thị hầu như không có ghi chú về mục này. Mình có thử 3 loại sữa chua khác nhau để làm men cái thì đều thấy ổn nên mình nghĩ các bạn có thể thoải mái lựa chọn loại mà các bạn thích.

b. Về tỉ lệ men

- Tỉ lệ men có thể dao động trong khoảng 3 - 10% (so với tổng lượng sữa). Sử dụng bao nhiêu men sẽ tùy thuộc ở việc bạn muốn sữa chua có độ mềm/ cứng như thế nào, và quan trọng hơn cả là tùy vào loại men, loại sữa mà bạn sử dụng. Thường thì sữa chua có nhiều men sẽ đông và chua nhanh hơn, nhưng cũng cứng và sữa chua thành phẩm dễ tách nước hơn.
- Ở US và EU: các tài liệu mình đọc được đều nói rằng nên dùng tối đa 5%. Bản thân mình đã thử với 3% men thì thấy sữa chua khá ổn, mặc dù hơi mềm hơn so với sữa chua ở nhà một chút. Nên các bạn ở US và EU mình nghĩ có thể dùng lượng men bằng khoảng 5 - 7% so với lượng sữa.
- Ở VN: với sữa chua công nghiệp sản xuất tại Việt Nam, các bạn nên dùng lượng men bằng khoảng 7 - 10% so với tổng lượng sữa là ổn nhất.

c. Sữa chua làm men cái luôn phải được để hết lạnh (về nhiệt độ phòng) rồi mới dùng. Các lý do chính mình đã giải thích trong bài trước. Ngoài ra, còn một lí do quan trọng khác như bạn Quỳnh Anh giải thích, đó là nếu men còn lạnh, khi cho vào sữa (ấm) có thể sẽ gây "sốc" nhiệt cho vi khuẩn men trong sữa. Kết quả là men sẽ hoạt động kém, làm cho sữa không đông, bị nhớt, không chua...

d. Về loại sữa và tỉ lệ pha trộn sữa để làm sữa chua:

Các bạn có thể chọn tùy thích theo khẩu vị. Nhưng sữa có lượng Protein càng cao thì sẽ cho sữa chua càng đặc và cũng sẽ hạn chế được hiện tượng nhớt. Vì lí do này mà thường mình dùng sữa tươi pha sữa đặc chứ không dùng sữa đặc pha nước. Và cũng vì lí do này mà mình nghĩ sữa tươi pha sữa đặc sẽ có độ đông tốt hơn là sữa tươi pha đường (vì có Protein cao hơn).
Tỉ lệ sữa đặc : sữa tươi có thể thay đổi tùy vào khẩu vị của bạn (thích ăn ít/ nhiều ngọt) nhé, với mình thì lượng sữa đặc bằng khoảng 1/5 - 1/4 lượng sữa tươi thì sữa chua thành phẩm có vị chua ngọt và đặc mịn rất vừa phải.
- Ngoài sữa đặc và sữa tươi, các bạn có thể cho thêm một vài thìa sữa bột vào pha cùng để tăng lượng Protein trong sữa, giúp cho sữa chua đặc hơn và hạn chế nhớt.
- Riêng về sữa chua phô mai hay sữa chua Đà Lạt với lớp váng trên mặt, theo mình tìm hiểu thì nếu dùng sữa tươi mới lấy từ trang trại, chưa qua xử lí trong nhà máy thì sữa chua thành phẩm sẽ có lớp váng này. Còn một cách khác là pha kem tươi (whipping cream) vào hỗn hợp sữa. Cách này mình có thử, nhưng lớp váng trên mặt đơn thuần là chất béo, khá cứng và bột, mình thấy không ngon lắm. Mặc dù vậy, sữa chua có thêm kem tươi có vị thơm khá đặc biệt, và mùi vị cũng ngậy béo, nếu bạn nào thích ăn đồ có nhiều bơ và creamy thì có thể thay một phần sữa tươi bằng kem tươi nhé. Mình thấy dùng khoảng 60 - 100ml kem tươi (thay cho lượng sữa tươi tương ứng trong công thức) là sữa chua vừa ngon và không bị quá ngấy.

2. Cách làm

2.1. Để nguội sữa chua cái
Trước khoảng 1 - 2h: để sữa chua làm men cái ra ngoài cho hết lạnh.
2.2. Khử trùng dụng cụ làm sữa chua
Các dụng cụ làm sữa chua gồm: hũ đựng sữa, dụng cụ cân đo (thìa đong, cốc đong, nhiệt kế), muôi, thìa để múc, khuấy, âu đựng...
Mình thường đun nước sôi rồi cho các dụng cụ này vào "luộc" trong khoảng 30 giây rồi lấy ra, cho vào lò nướng (đã bật ở 100 độ C), để khoảng 2 - 3 phút cho khô ráo.
Nếu không có lò nướng, các bạn có thể để khô trong không khí hoặc dùng khăn sạch lau cho tất cả dụng cụ thật khô.
2.3. Chuẩn bị sữa
Đong sữa tươi và sữa đặc, quấy đều rồi cho vào nồi. Đun đến khi sữa đạt khoảng 80 -; 85 độ C (nếu dùng sữa thanh trùng thì có thể đun đến 90 - 95 độ C). Bắc nồi ra khỏi bếp, để sữa nguội về khoảng 40 - 43 độ C.

* Ghi chú:
- Trong quá trình đun nên quấy đều và liên tục, để tránh sữa bị "cháy", lắng cặn dính ở đáy nồi do nhiệt độ quá cao.
- Nếu không có nhiệt kế, các bạn có thể tự áng chừng bằng cách như sau nhé: Đầu tiên bật lửa to, đến khi bắt đầu thấy hơi khói bốc lên từ nồi (sữa chưa sôi, lúc này nhiệt độ khoảng 60 - 70 độ C) thì hạ xuống lửa vừa và quấy liên tục. Đun ở lửa vừa trong khoảng 3 -4 phút, đến khi sữa rất nóng (sờ vào phải rụt tay lại ngay) thì bắc ra, để nguội. Sữa ở 40 -43 độ C thì chỉ hơi âm ấm một tẹo thôi, có lẽ là khá giống nước tắm cho em bé.
- Cách để nguội nhanh nhất là đổ sữa vào âu kim loại rồi ngâm trong nước đá lạnh. Quấy đều để sữa nguội đều, không bị lạnh bên ngoài (nơi tiếp xúc với thành âu và nước đá) và nóng bên trong.
2.4. Trộn sữa và men
Múc khoảng 2 - 3 thìa sữa cho vào bát đựng men (men đã hết lạnh hoàn toàn và lỏng mềm). Nhẹ nhàng quấy đều. Đổ phần sữa có men này vào âu đựng sữa, quấy đều cho men và sữa hòa quyện.
* Lưu ý: khi trộn men nên làm nhẹ nhàng, không quấy đảo mạnh tay sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của men. Sữa chua nếu đã hết lạnh và lỏng thì sẽ hòa vào hỗn hợp sữa rất dễ dàng. Thường thì mình không quấy mà dùng thìa to múc sữa từ dưới đáy âu rồi đổ nhẹ nhàng trở lại (thao tác khá giống với động tác fold bột trong làm bánh).
Có thể dùng rây lọc khi đổ hỗn hợp có sữa chua (men cái) vào âu sữa.
2.5. Đổ sữa vào hũ
Chia đều sữa vào các cốc đựng. Nếu có bọt trên miệng cốc, có thể dùng thìa sạch  để hớt hết bọt. Đậy nắp kín (mình không có nắp nên dùng nilon bọc thực phẩm và chun để đậy kín miệng cốc).
2.6. Ủ sữa
Men trong sữa chua hoạt động tốt nhất ở nhiệt độ khoảng 40 độ C (theo Quỳnh Anh thì nhiệt độ lí tưởng là 40 - 44 độ C). Nên nếu có thể duy trì được nhiệt độ này liên tục thì sữa sẽ đông khá nhanh.
Cần lưu ý, 40 độ C là nhiệt độ của sữa chứ không phải là nhiệt độ của môi trường bên ngoài (tức là, nhiệt độ bên ngoài có thể sẽ cần cao hơn một chút để làm sữa trong hũ đạt mức nhiệt phù hợp).

* Ủ bằng lò nướng:

- Bật lò ở 70 - 80 độ C trong khoảng 5 phút để nhiệt trong lò nóng đến khoảng này.
- Cho sữa vào. Tắt lò (hoặc có thể bật đèn trong lò).
- Sau khoảng 1 - 1,5h, bật lò lên 50 - 60 độ C trong 2 - 3 phút (nếu bật đèn thì lò có thể nóng lâu hơn, sau khoảng 2 - 2,5h mới cần bật lại).
 - Sau khoảng 1 - 1,5h nữa, bật lò 50 - 60 độ C trong 1 - 2 phút.
Trong toàn bộ quá trình ủ không mở lò (vì sẽ làm nhiệt độ thay đổi đột ngột) và tránh làm cho hũ sữa bị lay động, di chuyển nhiều (sữa chua sẽ dễ bị vữa).
Với cách này, nhiệt độ trong lò (như mình đo được) luôn ở khoảng 55 - 60 độ C. Nhiệt độ sữa mà mình đo ở khoảng 40 - 45 độ C. Nếu làm công thức như trên thì sau khoảng 3 - 3,5h đã thấy sữa đông rồi, để sau khoảng 4 - 5h thì sữa chua như ý muốn.

*Ngoài lò nướng, có thể ủ bằng các dụng cụ khác như:

- Dùng nồi cơm điện/ thùng xốp/ lò vi sóng/ nồi áp suất hoặc nồi có nắp đậy kín: Xếp các hũ sữa vào dụng cụ ủ. Đổ nước nóng già (khoảng 75 - 80 độ C) ngập khoảng 2/3 cốc sữa. Tùy vào khả năng giữ ấm của dụng cụ mà sau khoảng 2 - 3h đồng hồ các bạn thay nước một lần để giữ nhiệt độ ấm trong dụng cụ ủ.
Nếu trời nắng nóng, có thể ủ sữa dưới nắng.
+ Mua 1 thùng xốp nhỏ , xoi 1 lỗ nhỏ trên nắp thùng vừa đủ chui lọt qua sợi dây điện , gắn vào 1 bóng đèn 25 watt và 1 phích cắm , xếp sữa chua vào thùng xốp ,  xếp 2 , 3 tầng vẫn được nhưng phải chừa khoảng trống ở giữa thùng để thòng bóng đèn xuống. Cắm điện, bóng đèn sẽ giữ ấm cho sữa. Sau 3 hoặc 4 giờ sữa đông đặc rất ngon
+ Dùng 1 cái nồi kim loại có lót 1 cái vĩ inox (hay dùng để lót nồi), đổ 1 lượng nước ấm vừa đủ ngập khoản 2/3 cốc sữa vào nồi,sắp các cốc sữa không đậy nắp vào,lấy khăn ăn bằng giấy đậy lên toàn bộ các cốc sữa xong đậy nắp nồi lại.(khi tôi đậy nắp cốc sữa rồi ủ thì hay bị nước đọng trên nắp rơi xuống mặt sữa nên phải đậy bằng khăn ăn).
Cứ để yên cái nồi này trên bếp ga(thường thì nhà ai cũng có bếp ga đôi nên có nấu nướng gì trong thời gian này thì dùng bếp còn lại), lâu lâu canh chừng sờ vào nồi thấy bớt ấm thì bật bếp nhỏ lửa vài giây rồi tắt ngay đủ để nồi ấm lên là được. Khoảng 4 giờ thì sữa đã đông,chỉ cần làm ấm lên 1 lần nữa rồi giải phóng nồi khỏi bếp ga xong cứ để vậy thêm khoảng 4 giờ nữa là sữa đã chua.
Nếu làm theo cách này, các bạn lưu ý không bật bếp quá lâu làm phần đáy nồi bị quá nóng, có thể làm chết men hoặc gây tách nước ở đáy hũ sữa chua nhé

*Lưu ý:

- Không ủ sữa ở nhiệt độ quá cao (trên 54 độ C), sẽ làm men bị chết, sữa không chua và không đông được.
- Trong quá trình ủ, cố gắng tránh cho hũ sữa chua bị lay động mạnh, sẽ làm sữa chua dễ bị vữa (khi thay nước, nếu phải bỏ sữa chua ra ngoài thì làm nhẹ nhàng và nhanh tay nhé).
- Sữa có ít Protein + ủ ở nhiệt độ thấp + ủ lâu  sẽ làm cho sữa dễ bị loãng, nhớt và chua nhiều.
- Không nên dùng lò vi sóng để làm nóng sữa, hoặc để làm tăng nhiệt độ trong lò vì có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của men, làm chết men.
2.7. Làm lạnh và bảo quản sữa chua
Khi sữa đã đông lại và đủ chua, bảo quản sữa trong tủ lạnh. Sữa chua có thể để trong tủ lạnh khoảng 2 - 3 tuần. Nếu dùng để làm men cái thì trong vòng 1 tuần.

3. Làm sữa chua không đường

Nếu muốn làm sữa chua không đường, các bạn có thể bỏ phần sữa đặc, chỉ dùng sữa tươi, nhưng nên pha thêm sữa bột để tăng lượng Protein trong sữa, giúp cho sữa đặc hơn.

4. Làm sữa chua uống


Về cách làm sữa chua uống: cách đơn giản nhất là dùng sữa chua đặc (để bớt lạnh), pha thêm với sữa tươi không đường, quấy đều đến khi sữa chua loãng hơn và có thể uống được. Lượng sữa tươi có thể thay đổi, tùy theo việc bạn muốn sữa chua uống loãng đến mức nào. Nếu muốn có vị chua nhiều, có thể ủ sữa chua đặc trong thời gian dài để sữa có vị chua nhiều hơn, rồi pha làm sữa chua uống.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

CÁC VẤN ĐỀ THƯỜNG GẶP VÀ CÁCH KHẮC PHỤC


Nhìn chung, nếu sữa chua làm ra có vấn đề, kiểm tra các nguyên nhân sau:
  • Nguyên liệu: hàm lượng Protein trong sữa có thấp quá không, men có tươi mới không.
  • Dụng cụ có được khử trùng sạch sẽ và khô ráo không.
  • Men có được để hết lạnh trước khi dùng không.
  • Nhiệt độ của sữa khi trộn men và nhiệt độ ủ sữa có quá cao không (sẽ dễ làm chết men).
  • Khi trộn men có quấy đảo quá mạnh tay không.
  • Nhiệt độ ủ có duy trì được ở khoảng 40 - 44 độ C không.
Ngoài ra, nếu tất cả các yếu tố liên quan đến kĩ thuật được đảm bảo, mà sữa vẫn chưa ngon như mong muốn thì bạn có thể thử thay loại sữa và loại men xem sao. Vì đôi khi, chất lượng sữa và men cũng có thể gây ảnh hưởng đến sữa chua thành phẩm.

1. Sữa chua bị nhớt

Hiện tượng sữa bị nhớt. Thậm chí đôi khi nhìn bên ngoài thấy sữa rất đặc, có thể dốc ngược mà không hề hấn gì. Nhưng khi xúc vào trong thì cảm giác như sữa dính lằng nhằng với nhau, giống như lòng trắng trứng vậy. Khi múc lên, miếng sữa cũng không tách rời ra được mà có một phần kéo theo (như phô-mai nướng trên Pizza ấy). Sữa chua bị nhớt cũng khác với sữa chua dẻo mềm, sữa chua dẻo mềm có thể hơi dính nhưng khi dùng thìa xúc vẫn tạo ra được miếng gọn gàng.

>>> Nguyên nhân:

- Men chưa hết lạnh và không được trộn vào sữa đúng cách.
Sữa chua dùng làm men cần được để hết lạnh hoàn toàn và chuyển về trạng thái lỏng chứ không cứng đặc như khi còn trong tủ lạnh. Việc này sẽ giúp cho khâu trộn sữa chua men với phần sữa còn lại dễ dàng hơn, và giúp cho vi khuẩn men không bị "sốc" nhiệt khi chuyển từ môi trường lạnh đến môi trường ấm.
Nếu sữa chưa hết lạnh hoàn toàn thì khi trộn sẽ dễ có các "vụn" sữa chua không tan hết. Đặc biệt nếu dùng nhiều sữa chua làm men cái thì việc này càng dễ gặp phải hơn. Ngoài ra, nếu sữa chua không lỏng hoàn toàn, khi trộn sẽ có thể phải quấy mạnh tay, cũng làm ảnh hưởng tới hoạt động của men.
- Ủ quá lâu ở nhiệt độ không ổn định (thấp hơn so với mức cần thiết)
Men hoạt động tốt nhất ở khoảng 40 - 44 độ C. Nên nếu giữ được nhiệt độ của sữa trong khoảng này thì sau khoảng 4h là sữa đã có thể đông chắc lại rồi. Như mình ủ bằng lò nướng thì cách 1,5 - 2h đồng hồ lại phải chỉnh nhiệt một lần. Tuy có hơi "phiền toái" vì phải canh lò, nhưng mình chưa bao giờ thành công với phương pháp ủ qua đêm mà không ngó ngàng gì đến sữa. Nếu bỏ mặc sữa qua đêm thì thường là sữa bị nhớt hoặc lỏng hoàn toàn.
Nguyên nhân mình đoán có thể do dụng cụ ủ (lò nướng) của mình không được kín, và nhiệt độ bên này khá thấp. Nhiệt độ phòng ban ngày khoảng 20 độ C, đêm có thể thấp hơn, tầm 18 độ C. Theo một người bạn chuyên nghiên cứu về sữa chua thì nhiệt độ ủ quá thấp cũng làm cho hoạt động của men bất ổn định, gây ra hiện tượng nhớt. Vì vậy nên tuy theo dõi nhiệt độ có hơi "mất công" nhưng với mình thì đây là cách an toàn. Và thật ra thì vì sữa chua có thể bảo quản trong tủ lạnh hai tuần. Nên mình thường dành ra một buổi trong hai ngày cuối tuần đê làm một mẻ sữa chua cho cả tuần, cũng không quá mất công.
- Sữa nhiễm khuẩn trong quá trình lên men
Mặc dù dụng cụ đã được khử trùng nhưng nếu môi trường ủ không sạch, thì sau khoảng 6 - 10h ủ, sữa vẫn có thể nhiễm khuẩn từ môi trường ủ và bị nhớt.
- Do loại men và hàm lượng Protein trong sữa
 Nên dùng sữa có Protein cao một chút (hoặc thêm sữa bột), sẽ hạn chế được hiện tượng nhớt hơn.
😊Tin vui: sữa chua bị nhớt có thể "biến hóa" thành sữa chua Hy Lạp nên đừng đổ đi nhé! (Xem bên dưới)

2. Sữa chua có vị bột hoặc nhám

- Nếu có sử dụng sữa bột, cần đảm bảo sữa bột được quấy tan hoàn toàn trong hỗn hợp sữa lỏng
- Trong quá trình ủ, sữa bị lay động nhiều hoặc lay động mạnh (đôi khi có những nguyên nhân mà người làm có thể không để ý như ủ trong lò và bật đèn để ủ, lò hoạt động gây rung nhẹ bên trong, cũng ảnh hưởng tới độ mịn của sữa).
- Trộn men cái với sữa không đều

3. Sữa bị tách nước

Đôi khi trên bề mặt sữa chua có thể có một lớp nước màu vàng nhạt. Lớp nước này (tiếng Anh gọi là whey) là hoàn toàn bình thường, và cũng có chứa nhiều chất dinh dưỡng, có thể uống được nên không nhất thiết phải đổ đi. Lớp nước này có thể xuất hiện do các nguyên nhân sau:
- Nhiệt độ ủ hơi cao quá
- Có sự xê dịch, lay động, quấy đảo sữa trong quá trình ủ (thường nước đi kèm với sữa chua bị vữa)
Ngoài ra, hiện tượng (2) và (3) còn có thể do một nguyên nhân được giải thích từ chuyên gia là do trong sữa tươi có hàm lượng kháng sinh hơi cao. Kháng sinh này ức chế men trong sữa, hạn chế hoạt động của men. Nên sản phẩm sữa chua làm từ sữa tươi loại này sẽ kém mịn mượt, có thời gian lên men dài hơn và dễ tách nước.

4. Sữa không đủ chua

Nếu sữa đông đặc mịn nhưng không đủ chua thì  các bạn có thể tăng thời gian ủ. Thông thường với công thức như mình đưa trong bài trước thì mình ủ trong khoảng 4 - 6h nếu muốn ăn ngọt nhiều và 6 - 7h nếu muốn vị chua rõ hơn. Còn nếu sữa không chua và không đông thì xem mục (6)

5. Sữa không đủ ngọt

Tăng sữa đặc hoặc cho thêm đường, nhưng mình ủng hộ việc tăng sữa đặc hơn vì nó sẽ giúp tăng cả Protein trong sữa, giúp sữa chua có độ đông đặc mịn tốt hơn.

6. Sữa không đông (và không chua)

- Do chất lượng men: Men cũ, ít vi khuẩn men hoặc vi khuẩn men hoạt động yếu.
- Do chất lượng sữa: Sữa có dư lượng kháng sinh cao làm ảnh hưởng đến men (xem giải thích cuối mục (3) ).
- Do nhiệt độ ủ hoặc nhiệt độ sữa quá cao làm chết men

7. Sữa lỏng nhưng chua nhiều, có thể bị nhớt

- Protein trong sữa thấp
- Nhiệt độ ủ không ổn định, ủ quá lâu

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


SỮA CHUA HY LẠP VÀ SỮA CHUA DẺO

1. Sữa chua Hy Lạp

Sữa chua Hy Lạp có thể được làm từ nhiều loại sữa chua khác nhau, miễn là không quá lỏng hay loãng. Ở bên này mọi người hay làm từ sữa chua không đường rồi ăn kèm mật ong hay mứt, hoặc dùng để trộn sốt ăn salad. Nhưng mình hay làm sữa chua có đường, rồi tách nước, và dùng phần sữa sau khi tách nước trộn với quả tươi hay ăn kèm bánh ngọt kiểu tart, rất ngon.


11. Nguyên liệu

-Sữa chua đặc, có hoặc không đường
-1 chiếc âu sạch
-1 chiếc rá hoặc rổ nhỏ, có thể đặt lên miệng âu và đáy rổ còn cách đáy âu một khoảng
-1 miếng vải cotton sạch
*Lưu ý: Nên dùng sữa chua tự làm vì sữa chua sản xuất công nghiệp đôi khi có thể có cả Gelatin hoặc Pectin-là chất tạo đông, giúp cho sữa không bị tách nước nếu trong quá trình vận chuyển có va đập mạnh. Những loại sữa này vì thế sẽ không thể tách nước để làm sữa chua Hy Lạp được. Nếu muốn dùng sữa chua sản xuất công nghiệp, các bạn nên kiểm tra trước thành phần sữa (trên vỏ bao bì) xem có Gelatin hoặc Pectin không nhé.

1.2. Cách làm

- Các loại dụng cụ này nên được khử trùng để tránh vi khuẩn xâm nhập làm hỏng sữa chua. Tráng âu và rổ qua nước sôi rồi sấy khô trong lò nướng. Vải cũng cho vào nước sôi luộc rồi vắt kiệt nước.
- Để tách nước, các bạn đặt chiếc rổ lên trên âu, lót miếng vải vào trong lòng rổ rồi quấy đều sữa chua và đổ lên trên tấm vải. Có thể dùng nilon hoặc phủ thêm 1 tấm vải sạch khác lên trên để tránh bụi bẩn dây vào sữa chua. Nước sẽ tự chảy qua vải, qua rây và rơi xuống âu đặt phía dưới.
Nếu không có rây hay rổ, rá, các bạn có thể treo miếng vải đựng sữa chua lên, như thế này:
- Nên đặt âu đựng sữa đang tách nước trong tủ lạnh. Việc này sẽ giúp bảo quản sữa chua tốt hơn. Vì để sữa bên ngoài 8 - 10 tiếng cũng là một khoảng thời gian dài, nhất là ở một số nơi như Việt Nam, môi trường không được sạch sẽ, vi khuẩn có thể xâm nhập vào sữa.
- Càng để lâu, nước càng chảy ra nhiều thì phần sữa còn lại càng đặc và dẻo. Do vậy, tùy vào sở thích muốn sữa chua đặc dẻo nhiều hay ít mà bạn có thể điều chỉnh thời gian tách nước. Nếu để lâu hơn, khoảng 18 - 24 giờ thì bạn sẽ có sản phẩm rất đặc, giống kiểu như phô-mai, có thể dùng để trét bánh như kem được.
Sữa chua trước và sau khi tách nước
- Phần nước tách ra từ sữa chua cũng có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng (vì thực ra nó là một phần của sữa chua mà) và hoàn toàn có thể uống được. Nhưng trong nước này cũng có chứa khá nhiều acid nên bạn nào có vấn đề với dạ dày thì lưu ý một chút khi dùng nhé.
- 1 kg sữa chua có thể làm được khoảng 250 - 350g sữa chua Hy Lạp, tùy độ đặc lỏng theo ý muốn của người làm. Sữa chua sau tách nước có thể bảo quản trong lọ, hộp sạch trong khoảng 10 - 14 ngày.

2. Sữa chua dẻo

Sữa chua dẻo được làm bằng cách trộn sữa chua thành phẩm với Gelatin.

2.1. Nguyên liệu

Tỉ lệ 500 g sữa chua (khoảng 450ml) <+> 5 g Gelatin (dạng bột hoặc lá)

2.2. Cách làm

- Gelatin ngâm với khoảng 20 - 30 ml nước lạnh trong 10 phút cho nở mềm, rồi cho vào lò vi sóng hoặc chưng cách thủy cho tan chảy.
- Quấy đều cho Gelatin nguội bớt rồi múc một vài thìa sữa chua, cho vào trộn đều với Gelatin.</li>
- Cuối cùng trộn phần sữa pha Gelatin này với phần sữa chua còn lại.
- Quấy thật đều cho Gelatin hòa quyện trong sữa chua. Đổ vào hộp hoặc lọ nhỏ, để tủ lạnh trong 1 - 2h cho sữa đông đặc lại.>
- Trước khi ăn để sữa lên ngăn đá khoảng 30 - 45 phút cho sữa thật lạnh. Rồi lấy ra cắt miếng nhỏ, rắc bột cacao/trà xanh.

*Mẹo:
- Nếu muốn sữa ngậy béo và đặc hơn nữa, các bạn có thể tách một ít nước trong sữa chua (theo cách làm sữa chua Hy Lạp) trước rồi mới trộn với Gelatin. Như vậy sữa sẽ đặc hơn và ít dăm đá hơn nếu để đông lạnh. 
- Sữa chỉ nên để ngăn đá khoảng 45 - 60 phút thôi nhé. Đừng để quá lâu vì sữa vẫn có khả năng đông thành đá.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


SỮA CHUA HOA QUẢ

Muốn ăn sữa chua hoa quả, thì một cốc sữa chua trắng với rất nhiều hoa quả tươi, rõ ràng là vừa tươi mới lại vừa bổ dưỡng. Nhưng mà thế thì chẳng “hay” mấy, phải làm sao quả trộn lẫn được trong sữa, sữa vừa có vị hoa quả, lại vừa có hoa quả miếng, cho được vào hũ nhỏ, đông lại ngon lành, muốn ăn lúc nào là sẵn sàng ngay lúc ấy, như sữa chua hoa quả mua từ siêu thị mới thích.

1. Nguyên liệu 

-500 ml sữa chua có đường
-180 – 200 g quả tươi loại có nhiều thịt
-15 g (khoảng 1 thìa canh) đường
-20 – 25ml nước
-2 g Gelatin dạng bột hoặc lá

2. Cách làm

2.1. Về nguyên liệu
- Sữa chua tự làm. Các thao tác không thay đổi, chỉ khác là đựng sữa trong bát hoặc âu to (vì còn trộn với hoa quả rồi mới cho vào hũ nhỏ).
Các bạn có thể dùng sữa chua mua sẵn tại siêu thị.
Ngoài ra, nếu muốn dùng sữa chua không đường cũng không sao, nhưng nên điều chỉnh lượng đường (phần 15 g) tùy theo loại hoa quả, tránh để sữa bị chua quá.
- Hoa quả: với anh đào, xoài và dâu tây, đều với lượng như ghi trên và rất ổn. Các bạn có thể chọn các loại quả có nhiều thịt khác như mơ, mận, táo, lê, kiwi, đu đủ, thanh long, mít, fig (sung).. Nếu muốn dùng quả nhiều nước như chanh leo thì sẽ cần tỉ lệ pha chế khác, nếu không sữa có thể sẽ rất loãng (nhưng để làm sữa chua uống thì được).
2.2. Nấu quả
Hoa quả rửa sạch, cắt miếng nhỏ khoảng 1.5 x 1.5 cm (như anh đào hay dâu tây thì mình bổ làm tư). Cho hoa quả vào nồi. Cho 15 g đường và 20 - 25 ml nước vào nồi. Trộn đều. Để khoảng 1 - 1.5 tiếng.
* Lượng đường có thể điều chỉnh tùy theo độ chua của quả. Có thể bỏ qua đường nếu dùng loại quả rất ngọt như xoài. Nhưng nên cho nước vì sẽ cần đun quả nên có ít nước sẽ tốt hơn.
2.3. Ngâm Gelatin trong nước lạnh cho Gelatin nở mềm.
Nên dùng Gelatin dạng lá vì thường sẽ có mùi thơm hơn Gelatin dạng bột.
2.4. Trộn quả và gelatin
- Hoa quả sau khoảng 1.5h thì bắc nồi lên bếp, để lửa vừa, thi thoảng quấy đều. Đun đến khi hỗn hợp sôi thì hạ lửa nhỏ, đun thêm khoảng 3 – 5 phút. Thời gian đun có thể ngắn hoặc dài hơn tùy loại quả (cứng hay mềm, nhiều hay ít nước). Làm sao để quả hơi mềm và có chút nước trong nồi, nhưng quả không bị nát là được. Tắt bếp, bắc nồi ra khỏi bếp.
- Vắt lá Gelatin cho ráo nước, cho vào nồi, quấy thật đều để Gelatin tan hết (nếu dùng Gelatin bột thì đổ cả phần nước ngâm vào nồi). Để nguội.
Xoài sau khi đun xong
5. Hoàn thành sữa chua hoa quả và bảo quản
- Sữa chua sau khi đã đông và đủ chua thì lấy ra, dùng thìa quấy đều. Nếu sữa chua quá đặc, có thể cho chút sữa tươi vào rồi lọc qua rây cho sữa loãng hơn.
Sữa chua sau khi đã ủ đủ đông và chua
- Trộn sữa chua với phần hoa quả đã nguội.
- Chia vào các lọ sạch (lọ đã tiệt trùng và lau khô). Để sữa chua vào tủ lạnh. Sau khoảng 2 - 3 giờ sữa sẽ đông lại. Bảo quản lạnh và dùng trong khoảng 5 ngày.
(*) Ghi chú:
- Nên căn thời gian để làm sao khi hoa quả vừa nguội thì sữa chua cũng ủ vừa đạt, tránh để quá lâu, hoa quả có thể keo đặc lại, khi trộn với sữa sẽ khó hơn và tác dụng tạo đông của Gelatin cũng kém hơn.
- Lượng Gelatin trong công thức chỉ đủ để giữ cho sữa chua đặc chứ không đến mức đông như thạch hay mousse. Tùy theo khẩu vị và độ đặc loãng của sữa & của phần hoa quả, các bạn có thể điều chỉnh lượng Gelatin này, càng nhiều Gelatin sữa sẽ càng đặc .
(Nguồn Savoury Days)

About HongNgoc Foody

0 nhận xét:

Được tạo bởi Blogger.