Tuna Kimbap with Avocado
Một trong những món Hàn mình mê nhất là Kimbap, vì món này nấu nhanh, tiện, dễ ăn, lại đủ chất nữa: cơm có, thịt có, rau có, v.v., chỉ cần 1-2 cuốn là xong bữa cơm. Hơn nữa vì đây là món ăn nguội, nên mình cảm thấy nó rất hợp với mùa hè nóng nực, khi mà chẳng ai muốn đứng nấu nướng quá lâu và cầu kỳ trong bếp, và cũng rất hợp để đem đi picnic hoặc đi đâu xa, không cần phải băn khoăn tìm cách giữ ấm cho món ăn.
Kimbap thì cũng khá quen thuộc rồi, tuy nhiên có vài sự khác biệt giữa món này và Sushi của Nhật. Hai điểm khác nhau cơ bản nhất đối với mình là gia vị trộn cơm và phần nhân. Gia vị trộn cơm Sushi là dấm và đường, khi ăn cơm sẽ có vị chua ngọt nhẹ, còn với Kimbap thì gia vị trộn và dầu mè và muối, khi ăn sẽ có vị hơi mặn và ngậy. Nhân của Sushi thì thường là các nguyên liệu tươi sống như cá sống, mực sống, còn nhân của Kimbap thì là các nguyên liệu đã qua chế biến và nêm gia vi vừa ăn. Công thức này giới thiệu phần nhân cá ngừ mặn ngọt.
1. Nguyên liệu
A: Cơm Nhật
- 190g gạo Nhật (gạo hạt ngắn, tròn)
- 250ml nước nguội
B: Kimbap
(2 cuốn kimbap)
- 2 lá rong biển dạng sấy khô
- 2 bát cơm
- 100g cá ngừ đóng hộp
- 1/2 củ cà rốt
- 1/2 quả bơ
- 1 thìa canh mè trắng
- 1 thìa canh mè đen
- 1 thìa canh xì dầu, 1/2 thìa canh đường, 1 chút tiêu
- Dầu mè
- 1 chút muối
*Ghi chú về nguyên liệu:
- Gạo: làm Kimbap thì ngon nhất là dùng gạo Nhật loại hạt tròn. Nếu không có thì các bạn có thể dùng gạo thường và thêm vào đó một nắm nhỏ gạo nếp để tăng độ kết dính cho cơm.
- Nhân: Kimbap không có một công thức nhân nhất định nào cả, miễn là vị của các nguyên liệu có thể kết hợp hài hòa, đủ rau đủ thịt, thậm chí rau nhiều hơn thịt hoặc dùng hoàn toàn rau cũng vẫn ngon. Phần nhân ghi ở trên chỉ để tham khảo thôi, các bạn có thể thay đổi tùy khẩu vị. Nếu các bạn tìm được Danmuji (củ cải ngâm có màu vàng, vị chua ngọt) thì Kimbap sẽ càng đúng vị hơn.
- Mành tre: mành tre sẽ giúp cho cuốn kimbap được chặt và tròn đều, nhưng nếu không có thì các bạn cuốn bằng tay cũng được. Các bạn cũng có thể gấp vài miếng giấy bạc với nhau thành một miếng dày và dùng thay mành tre.
2. Cách làm
2.1. Nấu cơm
- Vo sạch gạo. Vo gạo và chắt nước 3 lần như nấu cơm bình thường.
- Cho gạo vào nồi, đổ nước vào và ngâm gạo trong vòng 30 phút.
Phải ngâm gạo vì gạo Nhật hạt tròn to, ngâm nước sẽ giúp nước thấm vào lõi gạo làm gạo chín đều. Nếu không ngâm gạo thì nấu cơm rất lâu chín, hoặc bị sượng ở bên trong.
- Nếu dùng nồi cơm điện thì sau khi ngâm gạo chỉ cần bật nút nấu chín (dùng chính nước ngâm để nấu gạo). Nếu dùng nồi nấu trên bếp thì các bạn đặt nồi cơm lên bếp, đậy hé nắp nồi và bật lửa trung bình – to (bếp điện mức 4/6), đun trong vòng 12-15 phút. Sau đó mở nắp nồi ra, dùng phới dẹt hoặc thìa xới cơm nhẹ nhàng. Đậy hé nắp nồi, giảm xuống lửa nhỏ (bếp điện mức 2/6), nấu thêm 10 phút nữa là cơm chín.
Thường thì còn có một lớp cơm cháy thơm giòn ở đáy nồi nữa.
2.2. Làm Kimbap
Trong lúc chờ cơm chín thì chuẩn bị phần nhân.
- Cá ngừ đóng hộp chắt cho hết nước trong hộp. Cho vào chảo bật lửa trung bình – to, rưới một chút dầu mè vào và đảo đều. Cho xì dầu, đường và tiêu vào, nêm sao có vị mặn ngọt vừa phải. Tắt bếp và để nguội.
- Bóc vỏ bơ, cắt thành miếng mỏng khoảng 0.3 – 0.5cm theo chiều dọc, để sang một bên.
- Cà rốt gọt vỏ, thái thành thanh dài khoảng 8-10 cm. Bắc một nồi nước trên bếp, đợi nước sôi thì cho cà rốt vào chần đến khi nước vừa sôi lại thì vớt cà rốt ra, trộn với một chút muối cho cà rốt có vị mặn nhẹ.
- Vừng trắng và vừng đen cho lên chảo rang sơ ở lửa trung bình – to cho thơm.
- Cơm sau khi đã nấu chín thì xới ra đĩa, cho vừng rang, muối và một chút dầu mè vào, dùng thìa xới cơm hoặc phới dẹt trộn nhẹ nhàng. Nêm nếm sao cho cơm có vị mặn vừa ăn và thơm mùi dầu mè là được. Để cho cơm nguội bớt, còn âm ấm thì bắt đầu cuốn Kimbap.
Cách trộn cơm: xới một chút cơm từ thành đĩa vào giữa, sau đó dùng thìa/phới dằm nhẹ nhẹ cho cơm trộn lẫn vào nhau. Cách làm này học được từ nhà hàng Nhật, trộn như vậy không sợ cơm bị nát như cách trộn bằng đũa hoặc thìa trực tiếp trong nồi.
- Chia cơm thành hai phần đều nhau, chuẩn bị sẵn sàng các phần nhân.
- Trải rong biển lên mành tre. Rong biển có 2 mặt, 1 mặt ráp và một mặt nhẵn bóng, các bạn lật mặt ráp lên trên để cơm dính được vào lá. Trải cơm ra lá rong biển, dùng thìa miết cho hạt cơm dàn mỏng đều, chừa khoảng 2-3 cm ở cuối lá.
- Trải một nửa phần cá ngừ lên cơm, dàn đều ra khoảng nửa phần cơm trên lá. Xếp các loại nhân còn lại lên trên, sắp cho nhân thật khít.
Mỗi cuốn cơm xếp khoảng 4 thanh cà rốt và 4 lát bơ là vừa.
- Từ từ cuộn cơm lại, vừa cuộn vừa dùng ngón tay đẩy giữ phần nhân không bị dịch chuyển quá nhiều, và dùng mành tre để ép nhẹ trong khi cuộn cho cuộn cơm được chặt tay.
Mình có tìm được hình minh họa này để các bạn có thể dễ hình dung hơn.
Nguồn: Seriouseats
- Sau khi cuộn xong hết cơm, các bạn dùng chổi hoặc tay có đeo găng nilon để xoa một chút dầu mè lên phần rong biển, vừa giúp tăng mùi vị cho Kimbap vừa giúp cho cuộn cơm bóng đẹp.
- Sau đó thì các bạn có thể cầm cả cuốn ăn hoặc là cắt thành từng lát dày khoảng 1.5 – 2cm. Các bạn dùng dao thật sắc, cắt dứt khoát không đưa qua đưa lại quá nhiều lần để tránh miếng cơm bị vỡ nhé.
3. Video hướng dẫn
(Theo vietmiamivores.wordpress.com)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét