THẾ GIỚI ẨM THỰC

Cà pháo muối nén miền Trung

Chỉ là muối cà thì dễ nhưng Muối cà pháo trắng giòn, thơm ngon và không bị váng là điều không phải ai cũng biết cách làm.

1. Nguyên liệu

– 1 kg cà pháo, 1/2 kg muối
– 1 củ riềng, 1 củ gừng, 200 g ớt tươi xay/băm nhỏ, 1 củ tỏi (dùng tỏi Lý Sơn cho vị thơm ngon)
– Đường cát, nước mắm

2. Cách làm

*Kinh nghiệm chung:
- Theo dân gian, cà thường được muối cùng với nước muối pha sẵn. Muối trắng pha với nước đun sôi để nguội. Lượng nước cũng tùy vào lượng cà nhưng khi đổ nước và cà vào trong vại (hũ) muối, nước phải đủ ngập cà. Nếu nước không ngập hết cà, có thể phần cà phía trên sẽ bị thâm, đen.
- Nước muối dùng muối cà cũng được pha với tỷ lệ nhất định để cà khi muối không bị chua quá hoặc nhũn quá hoặc quá mặn.
- Công thức pha nước muối cà như sau:  Cách một: 1 lít nước đun sôi để nguôi + 50g muối. Cách hai: 1 lít nước + 30g muối. Cách ba: 1 lít nước + 70g muối.
  Đây là ba công thức pha nước muối cà và khi muối sẽ cho ra 3 kết quả khác nhau. Ở đó, cách 1 cho ra vại (hũ) cà chua vừa hơn, cách 2 cho ra cà chua nhanh hơn, còn cách 3 sẽ mất nhiều thời gian để cà chua được.
  Nên lưu ý thêm, khi pha nước để muối cà, nên pha thừa ra để sau đó còn bổ sung vào hũ để đảm bảo nước phải đủ để ngập cà.
- Sau khi pha nước muối thành công, cứ mỗi 1kg cà sử dụng 50g tỏi lột vỏ, cắt lát mỏng + 50g gừng cắt sợi, riềng củ tươi thái sợi, vài quả ớt sừng bò.
- Các dụng cụ muối cà thường dùng là hũ sành, hũ thủy tinh, vại sứ Các hũ này cần phải có nắp hoặc phải chế nắp phù hợp để khi muối cà được đậy kín. Không nên dùng đồ nựa hoặc đồ là kim loại.
- Khi cà sơ chế và bóp lẫn cùng các gia vị, gừng, tỏi, riềng, ớt… cho vào khoảng 3/5 dung tích hũ, dùng vài nan tre mỏng, sạch hoặc một chiếc đĩa sứ nặng vừa đủ bỏ lọt qua miệng hũ… đè dằn lên trên bề mặt cà sao cho cà không nổi lên khỏi mặt nước muối. Đổ nước muối vào hũ, mực nước phải cao hơn mặt cà chừng 5cm.
- Sau một ngày cần kiểm tra lại, nếu thấy mực nước muối rút xuống, phải bổ sung kịp thời để giữ mực nước cao hơn mặt cà chừng 5cm.
- Sau 3 – 4 ngày khi cà được muối, nếu thấy mặt nước muối nổi lên lớp váng mỏng là do hỗn hợp muối + nước thiếu độ mặn cần thiết, chữa bằng cách đổ bỏ nước muối cũ đi, nấu mẻ nước muối khác để nguội cho vào.
- Trái cà sau khi muối đúng ngày sẽ phồng căng, vỏ ngoài thấy trắng trong chứ không còn trắng đục hoặc cà vàng, cà xanh sẽ có mầu tươi, khi ăn thấy độ giòn, xốp, thơm ngon.
*Cà muối nén:
- Sau khi mua cà về, bạn đem phơi nắng từ 3 - 4h cho cà héo đi một chút. Rồi bạn cắt bỏ phần cuống, đem rửa sạch với nước. 
Có rất nhiều cách muối cà pháo giòn ngon, tuy nhiên cà muối nén thường được chị em làm nhiều nhất. Theo cách này, sau khi rửa cà, bạn bổ đôi rồi ngâm vào nước muối loãng khoảng 15 phút để loại bỏ bớt chất bẩn và chất độc trong cà.
Rửa sạch lại với nước lạnh lần nữa cho cà pháo sạch hẳn là được.
- Đun sôi khoảng 1 lít nước, cho muối vào hòa tan, thử một chút thấy có vị mặn nhẹ là được, để nước nguội 40 độ rồi mới cho vào muối cà. Nếu pha nước muối cà quá mặn hoặc quá nhạt sẽ dễ khiến cà muối bị hỏng hay bị ủng. Nếu muốn cà nhanh chua có thể thêm chút đường.
Tỏi bóc vỏ/để nguyên rồi đập dập. Ớt rửa sạch thái lát. Cho tỏi và ớt vào cùng khi muối cà sẽ có mùi thơm tự nhiên, kích thích món ăn hơn đấy.
- Hũ thủy tinh để đựng cà muối cần được rửa sạch, để ráo nước. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng hũ sứ hay nhựa để làm cà muối tuy nhiên lọ thủy tinh sẽ giúp bạn khi muối cà không bị nổi váng và để được lâu. Nếu có vấn đề gì thì có thể nhìn thấy ngay được.
- Cách muối cà pháo giòn ngon như sau, bạn lót xuống đáy lọ một lớp muối, sau đó rải một lớp cà pháo lên. Làm lần lượt như vậy đến khi hết cà rồi rải nốt phần tỏi ớt lên trên cùng. Cuối cùng bạn đổ hỗn hợp nước muối đã pha sẵn ở trên vào.
- Chú ý nên đổ nước sao cho cách mặt cà khoảng 1,5 đốt ngón tay. Nếu thiếu bạn có thể pha thêm nước. Đặt lên mặt lớp cà phía trên một chiếc túi bóng nước hoặc chiếc đĩa nhỏ rồi đậy nắp lọ lại là được.
Nhiều chị em còn mách nhau cách nén cà truyền thống đó là dùng một chiếc đĩa hoặc bát con nén cà sau đó mới dùng thêm túi nước. Cách này cũng giúp bạn muối cà thêm giòn, ngon lại không bị nổi váng, cà không bị nổi.
- Với cách muối cà pháo nén kiểu này, chỉ khoảng 2 - 3 ngày là có thể ăn. Nếu muối cà thành công, thì món cà của bạn sẽ có màu trắng hấp dẫn, cà pháo không bị thâm đen. Khi ăn cà pháo muối có vị mặn vừa phải, giòn ngon, ăn kèm với cơm nóng, rau muống luộc hay canh cua đồng thì ngon tuyệt vời. 
*Làm mắm cà:
- Cà pháo sau khi ngâm lấy ra rửa lại với nước ấm, thái đôi để làm mắm cà.
- Gừng, riềng gọt vỏ, thái sợi. Cho 300 ml nước lọc, 1 thìa canh nước mắm, 200 g đường cát rồi đun sôi.
- Nước mắm đường để nguội, cho gừng, riềng, ớt xay vào trộn đều.
- Tiếp đến cho cà vào trộn thật đều.
- Cho cà vào lọ thủy tinh, đậy nắp kín lại trong khoảng 1 ngày cho thấm gia vị.
- Cà pháo ngâm chua ngọt thường được ăn kèm với thịt luộc và cơm trắng, vừa đậm đà, vừa ngon miệng.

*Cà muối xổi:
Nhiều gia đình khi muối cà, muốn ăn xổi, có thể làm bằng cách pha khoảng 2 lít nước + 50g muối + 100g đường + 50 g gừng, tỏi, riềng, ớt băm nhỏ vừa. Có thể dùng nước đun sôi để nguội hoặc pha trước, đun sau để nguội rồi đưa vào hũ. Cà cũng tiến hành sơ chế như trên. Cách làm này, cà sẽ được ăn sớm hơn nhưng không để được lâu
*Lưu ý:
Để có món cà pháo muối trắng giòn, thơm ngon, không bị váng, không bị khú, không bị chua, cần quan tâm tới những vấn đề sau đây.
- Chọn cà pháo:
  +Cà pháo để muối ngon nhất, khi mua cần chọn những quả to đều, không non quá hoặc không già quá (bánh tẻ). Đặc biệt là không bị héo, không bị nhũn hoặc ủng. Tốt nhất là còn tươi, mới được hái. Hoặc có thể cắt đôi quả cả để biết cà non hay già, hay bánh tẻ.
  +Nếu cà còn non, chưa có hột thì khi muối xong sẽ bị mềm chứ không giòn. Cà già ruột thường đặc hột, muối xong rất hăng chứ không thơm và lại còn bị dai. Cà vừa nhất dùng để muối là khi cắt trái cà ra thấy phần hột trong ruột cà chỉ vừa tượng đủ hột nhưng có sắc trắng, không bị vàng.
- Sơ chế cà:
  +Trải cà ra phơi nắng trong khoảng 3 – 4 giờ để cho cà héo phần da quả bên ngoài

Nên phơi nắng cà trước khi muối để cà héo bớt, sẽ ra bớt nhựa. Khi muối sẽ có độ giòn
   +Rồi đem vào cắt bỏ cuống.
  Việc cắt bỏ cuống cũng có thể làm theo hai cách:
  Một là dùng dao mỏng, bén… cắt cuống trái cà còn khoảng chừng 5 ly rồi cạo nhẹ phần vỏ xanh của cuống.
  Hai là cắt bỏ cuống nhưng không cắt phạm vào vào phần thân cà mà chỉ cắt vừa hết phần cuống.
  +Cà sau khi làm cuống cần rửa lại qua nước sạch và để ráo nước.
- Bạn có thể cho thêm gừng hoặc giềng để khi muối món cà pháo sẽ thơm và ngon hơn.
- Khi muối cà pháo, bạn có thể muối cả quả hoặc cắt đôi nếu muốn. Nếu bổ đôi thì nên bổ ngay từ bước sau khi cắt cuống, bổ ra rồi ngâm nước muối là được.
- Khi làm cà pháo muối không nên muối quá nhiều, tránh tình trạng để lâu cà sẽ bị nổi váng
- Trong quá trình muối, phải đảm bảo cà luôn được ngập nước như vậy cà pháo sẽ không bị thâm đen, khi ăn sẽ giòn mà lại không bị váng.

- Mặc dù cà muối là món ăn rất ''đưa cơm'' tuy nhiên, không nên lạm dụng ăn quá nhiều vì theo nhiều nghiên cứu ăn quá nhiều cà muối, dưa muối sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. 
*Yêu cầu thành phẩm:
- Món cà pháo muối xong có màu trắng hấp dẫn, cà không bị thâm đen
- Khi ăn cà có vị mặn vừa, cay nồng nhẹ, thơm, giòn ngon;
- Với món cà pháo muối này bạn có thể ăn kèm mắm ruốc, mắm tôm, nước mắm chanh tỏi hay trộn với các loại mắm khác như mắm cơm, mắm cái đều rất phù hợp và kích thích khẩu vị đấy nhé.
Chúc các bạn thành công!

About HongNgoc Foody

0 nhận xét:

Được tạo bởi Blogger.