Mứt Tây là các loại mứt sệt sệt ăn với bánh mì chứ không phải mứt khô truyền thống thường ăn ngày Tết ở Việt Nam.
Mứt để ăn với bánh mì và sữa chua - rất ngon. Và ở VN thì cứ gọi chung chung là mứt thôi, vì vậy nếu người nào không rành (mà đa số là không rành) rất dễ mua nhầm thứ định mua, rồi về ăn xong lại thắc mắc sao không giống thứ được thử ở nhà chị này chị kia. Thực ra thì nếu chịu khó nhìn kỹ, trên các hộp mứt nhập ngoại đều ghi rõ nó là loại gì: jam, jelly, preserves, marmalade hay fruit spread. Tuy về cơ bản chúng đều là mứt, có thành phần chính là trái cây và pectin, nhưng mỗi loại đều có những khác biệt riêng và chọn loại nào là tùy món ăn cũng như khẩu vị từng người.
1. Jam
Loại cơ bản nhất là jam (từ này cũng thường được dịch là "mứt" trong các từ điển Anh - Việt).
Jam là mứt với thành phần trái cây nhuyễn (dạng bột hoặc nghiền nhỏ) nấu với đường và pectin cho mềm, sệt. Về mặt kết cấu thì jam có độ dày thịt. Thường những loại trái cây dày thịt như dâu, nho, xoài, anh đào, việt quất, phúc bồn tử... sẽ được đem làm jam.
Strawberry Jam
Pectin thì đơn giản chỉ là chất tạo gel (thường tồn tại trong thực vật) để mứt có độ đông sệt tự nhiên và không bị vỡ kết cấu. Nó không độc hại gì với sức khỏe con người. Bạn cũng có thể mua bột pectin để tự làm mứt trái cây ở nhà.
Bột Pectin
2. Jelly
Jelly ở đây cũng là một loại mứt chứ không phải loại thạch trái cây dùng để giải khát tráng miệng.
Gọi là jelly vì nó có bản chất của jelly: thành phần chính là nước ép trái cây, sau đó thêm đường, pectin... để làm thành mứt. Quan sát bằng mắt thì thấy mứt dạng jelly có độ trong và mịn hơn jam, và cũng chính vì nó được làm từ nước ép nên không nhất thiết phải chọn trái cây dày thịt mà có thể chọn các loại mọng nước hoặc dùng các loại thảo mộc, trà, thậm chí rượu.
3. Preserves
Strawberry preserve
Trái cây trong mứt dạng preserves thường có hình khối lớn hơn, nói nôm na nó được cắt thành từng miếng nhỏ chứ không nhuyễn như jam hoặc chỉ có nước ép như jelly.
Những miếng trái cây này thường nằm lẫn trong jam hoặc jelly và toàn bộ hỗn hợp đó được gọi là preserves.
4. Marmalade
Marmalade là thuật ngữ mứt thường dùng cho các loại cam quýt (như cam, chanh, quýt , bưởi, tắc/quất...), trong đó cả thịt trái cây lẫn vỏ đều được nấu kỹ thành mứt và không cần dùng pectin.
5. Fruit spread
Khi hộp mứt ghi là "fruit spread" thì bạn cần hiểu nó đơn giản chỉ là jam hoặc preserves nhưng chỉ có trái cây, không có đường.
Vậy là bây giờ chúng ta đã hiểu cơ bản về các loại mứt Tây khác nhau rồi nha, khi đi mua chịu khó đọc kỹ bao bì một chút là sẽ tìm được loại đúng ý thôi mà.
(Nguồn tranbichnga.blogspot.com)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét