THẾ GIỚI ẨM THỰC

Bánh

Bánh bao nhân trứng sữa (nhân custard/ cade)

Trời chuyển lạnh rồi, buổi sáng có một hai chiếc bánh bao nóng thêm ly sữa đậu nành nữa thì quá tuyệt, vừa ngon, vừa đủ chất mà lại rất nhanh nữa vì bánh bao đã chín rồi nên chỉ cần bỏ vào lò vi sóng quay 30s là có đồ ăn nóng sẵn sàng. Hôm nào có chẳng may dậy  muộn cũng không lo nhịn đói đi làm vì không đủ thời gian chuẩn bị bữa sáng  
Vì bánh bao lâu nay chủ yếu là nhân mặn, nên lần này mình thử đổi vị, làm bánh bao nhân ngọt xem sao. Nói là món mới nhưng thực ra cả bánh bao và nhân custard đều là hai thứ đã rất quen thuộc rồi. Chỉ có điều nhân custard cho bánh bao (hay còn gọi là nhân cade) thì hơi khác với nhân custard của bánh su một chút vì cần phải đặc hơn để dễ nặn bánh, và thường có thêm ít vị sữa dừa. Một số công thức của người Trung Quốc có sử dụng bột custard để làm phần nhân này. Nhưng sau khi thử thì mình thấy bột custard chỉ có ưu điểm là giúp cho nhân có màu vàng đẹp hơn, ngoài ra cũng có tạo thêm mùi thơm của sữa (mặc dù nói thật lòng là mùi thơm này rất nhân tạo). Về chất lượng, nếu so với nhân chỉ dùng hoàn toàn sữa, trứng.. thì nhân dùng bột custard mình thấy không ngon và ngậy bằng. Nên mình bỏ nguyên liệu này ra khỏi công thức, và dùng thêm ít màu thực phẩm vàng để nhân được hấp dẫn hơn.

1. Nguyên liệu

- Nhân custard (nhân cade):
  • 2 lòng đỏ trứng (18 – 20 g/ lòng đỏ)
  • 30 g đường
  • 15 g sữa bột (không bắt buộc nhưng có thì nhân sẽ thơm hơn)
  • 70 g (khoảng 65 ml) nước cốt dừa (coconut milk)
  • 20 g bột ngô (corn starch)
  • 80 g sữa tươi không đường
  • 20 g bơ nhạt (bơ động vật không muối)
  • 1/2 thìa cafe (2 – 3 ml) vanilla chiết xuất 
  • Chút xíu muối
  • Vài giọt màu thực phẩm vàng (không bắt buộc)
- Vỏ bánh:
(Sử dụng 1/2 công thức sau)
*Phần thứ nhất:
  • 15 ml sữa tươi không đường
  • 1/2 thìa cafe (3g) đường
  • 1/2 thìa cafe (3g) men instant (D ùng men instant nên không kích hoạt. Nếu các bạn dùng men khô hoặc muốn kiểm tra xem men có còn tốt hay không thì các bạn kích hoạt như hướng dẫn trong phần ở dưới)
  • 250 g bột mì đa dụng (hàm lượng protein 10-11%)
  • 120 ml sữa tươi không đường
  • 30 ml dầu ăn
*Phần thứ hai:
  • 75 g bột mì đa dụng
  • 1 lòng trắng trứng (28-30g)
  • 30 – 50 g đường (có thể giảm đường trong ct gốc – mình giảm 10 g vì nhân bánh cũng ngọt rồi)
  • 4g bột nở/ bột nổi (baking powder)

2. Cách làm 

2.1. Nhân custard
Nên chuẩn bị phần nhân này trước, để nhân nguội hẳn và đông đặc lại thì khi nặn bánh sẽ dễ hơn.
- Cho lòng đỏ trứng vào âu. Rây đường. Đánh tan nhẹ nhàng đến khi đường và trứng hòa quyện (không cần đánh bông)
- Rây sữa bột, trộn đều với trứng và đường
- Cho nước cốt dừa, sữa tươi và rây bột ngô vào âu trứng. Quấy đều đến khi các nguyên liệu hòa quyện.
- Lọc hỗn hợp qua rây, đổ vào nồi (nếu có vụn bột đọng lại trong rây thì miết cho bột này tan và rơi qua rây xuống hỗn hợp, quấy đều).
- Đun hỗn hợp trứng sữa ở lửa vừa. Quấy liên tục và đều tay trong quá trình đun.
Lưu ý: không để lửa quá to, sẽ dễ làm trứng bị chín, làm cho hỗn hợp bị lợn cợn trứng. Nếu hỗn hợp có dấu hiệu đặc quá nhanh và có lợn cợn thì nhấc nồi ra khỏi bếp, dùng phới lồng quấy mạnh tay đến khi hỗn hợp mịn mượt trở lại.
- Quấy đến khi hỗn hợp chín và chuyển hơi đặc sệt thì bắc ra khỏi bếp. Cho bơ, vanilla và muối, quấy đều. Có thể bắc lên bếp quấy thêm 1 – 2 phút nếu hỗn hợp còn hơi lỏng. Cần nấu đến khi hỗn hợp chuyển thành dạng khá đặc sệt. nhưng không quá đặc vì phần sữa trứng sẽ tiếp tục đặc và cứng hơn khi để nguội. Nhân lỏng quá khi nặn bánh sẽ rất mệt. Nhân đặc quá khi ăn bánh sẽ kém ngon. Nên làm sao đạt được điểm ở giữa hai mốc này: không quá đặc và không quá lỏng là đạt  
- Sau khi hỗn hợp đã đạt, đổ ra bát, để nguội (có thể bảo quản trong tủ lạnh).
Nếu nếm thử thấy hỗn hợp nhân còn vị bột sống thì các bạn thêm vào nồi chút sữa, quấy tan đều cho nhân loãng ra rồi bắc lên bếp nấu tiếp đến khi chín hoàn toàn, không còn vị bột nữa.
2.2. Làm vỏ bánh
- Hâm nóng 15ml sữa tươi (sao cho sữa hơi ấm, khoảng 30-35 độ C). Cho 1/2 thìa cafe đường vào quấy tan. Cho men nở vào, dùng đũa gỗ quấy đều. Để yên 10-15 phút. Men sẽ nở bung giống gạch cua (như trong hình dưới).
Mặc dù men instant không cần phải kích hoạt nhưng không nên bỏ qua bước này, vì sẽ kiểm tra được là men còn tốt hay không. Nếu men không nở thì có hai khả năng: 1. Sữa quá nóng làm chết men. 2. Men bị hỏng, nên đổ phần men đó đi, và làm lại từ đầu. Nếu men tiếp tục không nở thì bỏ men đó đi, mua loại khác. KHÔNG cố làm tiếp vì sẽ làm hỏng toàn bộ phần nguyên liệu tiếp theo.
- Cho bột mì, sữa tươi, dầu ăn và phần sữa hòa men vào âu. Dùng thìa gỗ hoặc đũa cả quấy và trộn đến khi các nguyên liệu quyện lại thành một khối.
Cho ra bàn, nhồi tay trong khoảng 10-15 phút đến khi mặt bột tương đối mịn, ấn thử vào khối bột thấy vết lõm phồng trở lại (khối bột có đàn hồi).
Nguyên tắc thông thường là càng nhồi kĩ và bột càng dai (đàn hồi tốt) thì thớ bánh càng dai. Tuy nhiên, bánh bao không cần thớ dai như bánh mì nên nhồi bột bánh bao khá nhẹ nhàng, không mệt như làm bánh mì, cũng không cần nhồi bằng máy. Chỉ cần bột tương đối đàn hồi và có mặt bột mịn là ổn. Nếu nhồi bằng máy, nên giảm bớt thời gian và tốc độ.
Tùy vào độ hút nước của bột mì mà bột có thể khô hoặc nhão. Mình làm thì bao giờ khối bột cũng rất vừa phải, không quá khô hay nhão, khi nhồi hoàn toàn không cần dùng bột áo, tay nhồi bột cũng sạch bong và khô ráo. Nếu bột quá khô (nhồi thấy nặng tay, khó nhồi) thì có thể thêm 1 chút dầu ăn hoặc nước. Nếu quá nhão, hãy thêm 5-10gram bột áo.
- Chuẩn bị một chiếc âu hay nồi lớn. Quét một lớp mỏng dầu ăn bên trong lòng âu. Cho khối bột vào, lật khối bột cho dầu ăn bao đều bên ngoài bột. Đậy nắp vung nồi hoặc phủ khăn ẩm/ bọc nilon/ cho vào túi kín (để giữ cho bột không bị khô). Ủ đến khi bột nở gấp 2.5 – 3 lần.
Nhiệt độ ủ tốt nhất là trong khoảng 25-38 độ C. Nên nếu là ngày mùa hè thì có thể ủ ở nhiệt độ phòng. Mùa đông trời lạnh, các bạn có thể ủ trong lò nướng bằng cách bật lò ở nhiệt độ 50 – 70 độ C trong khoảng 3-5 phút rồi tắt lò, cho âu đựng bột vào ủ. Hoặc ủ trong lò vi sóng, đặt thêm 1 bát nước sôi to để giữ ẩm và giữ nhiệt.
Lưu ý: không ủ trong lò quá nóng sẽ làm chết men.
- Sau khi bột đã ủ đủ, dùng tay ép nhẹ cho hơi khí bên trong bột thoát ra ngoài. Cho các nguyên liệu trong phần bột thứ 2 (gồm bột mì đa dụng, lòng trắng trứng, bột nở, đường) vào. Nhồi thêm khoảng 10 – 15 phút đến khi có khối bột dẻo mịn và đàn hồi.
Ghi chú:
  • Lòng trắng trứng chỉ dùng tối đa 30gram, quá nhiều lòng trắng sẽ làm bột bị ướt và dính, rất khó nhồi.
  • Khối bột ở lần thứ 2 sẽ ướt hơn khối bột ở lần 1. Trong quá trình nhồi, nếu quá dính, các bạn có thể dùng thêm bột áo (tối đa 15gram). Bột sau khi nhồi xong, sờ tay vào sẽ có cảm giác dính nhưng bột không dính vào tay. Tay nhồi bột hoàn toàn sạch và khô.
2.3. Gói nhân bánh
- Chia vỏ bánh làm 8 phần (mỗi phần khoảng 35 – 40 g). Chia nhân bánh thành 8 phần (mỗi phần khoảng 23 – 25g)
- Vê tròn từng viên bột vỏ bánh, cán mỏng thành hình tròn. Vì vỏ bánh sẽ co, khó gói nhân, nên cán tất cả 8 miếng bột. Sau đó quay về với miếng bột đầu tiên, cán sơ qua một lần nữa, rồi cho nhân vào và gói. Miếng bột đã có một thời gian “nghỉ” nên sẽ co dãn ít hơn, có thể dễ dàng gói nhân.
Lưu ý:
  • Nếu các bạn làm nhiều, nên dùng nilon hoặc khăn ẩm để che phần bột chưa sử dụng, tránh làm bột bị khô, bánh hấp xong sẽ kém mềm.
  • Nên cán phần mép bột mỏng và phần giữa dày hơn. Khi túm vỏ lại, cần tránh cho trứng dính vào mép vỏ bột, sẽ làm cho bột không dính được với nhau, khi hấp dễ bị bung mép.
  • Nếu làm bánh bao hình tròn thì quay phần mép bột xuống dưới, giúp bánh đẹp hơn và cũng hạn chế được việc mép bột bị bung khi hấp.
- Có thể cắt giấy trắng hoặc giấy nến để đặt bánh bao lên trên. Hoặc dùng cup giấy làm cupcake (loại trắng tinh).
- Sau khi nặn xong, để bánh nghỉ khoảng 10 – 15 phút rồi hấp.
2.4. Hấp bánh
- Vì bánh bao sẽ nở gấp rưỡi đến gấp 2, nên tùy vào độ lớn của xửng mà mỗi lần có thể hấp từ 2-4 cái bánh.
- Chuẩn bị xửng hấp, đun sôi nước. Hấp bánh trong khoảng 7 – 10 phút. Khi hấp cần để lửa to, làm sao để hơi nước nóng và bốc lên nhiều, nhưng nước không bị trào lên phần đặt bánh. Lửa to sẽ giúp bánh nở tốt hơn.
Lưu ý khi hấp bánh:
  • Nước phải được đun sôi sẵn. Khi cho bánh vào nồi thì trong nồi rất nóng và nghi ngút hơi. Mình để bếp ở mức 3-4/6 (bếp điện), nước sôi khá mạnh nhưng không trào lên khay đặt bánh hấp. Nếu hấp ở lửa quá nhỏ, nhiệt độ không đủ cao, bánh sẽ nở kém.
  • Để tránh cho hơi nước đọng từ nắp vung chảy xuống làm rỗ mặt bánh, các bạn có thể dùng một chiếc khăn phủ lên khay hấp bánh, rồi đậy vung. Hoặc cách tốt hơn là dùng xửng tre để hấp bánh, hơi nước được giữ lại trong nắp vung tre sẽ không làm rỗ bánh (mình phủ khăn thấy rất ổn).
  • Trong quá trình hấp không được mở nồi, sẽ làm bánh bị xẹp.
  • Không nên hấp quá lâu, sẽ dễ làm dễ bị xẹp, chai, mặt bánh nhăn nheo.
2.5. Thưởng thức
- Bánh ngon nhất là khi vừa hấp xong, vỏ bánh mềm xốp và phần nhân nóng ấm nên hơi mềm lỏng một chút (kiểu rất creamy). Để nguội thì nhân sẽ cứng hơn một chút nhưng vẫn rất ngon.
- Bánh có thể bọc kín để tủ lạnh trong khoảng 2 ngày. Khi ăn hấp lại hoặc cho vào lò vi sóng (đậy kín để bánh không bị khô), quay cho bánh nóng lại. Nếu muốn để lâu hơn, các bạn có thể để bánh (đã hấp chín) trong tủ đá, khi ăn thì rã đông rồi làm nóng lại như trên. Hoặc cũng có thể trữ đông bánh chưa hấp, khi ăn thì rã đông rồi hấp như trên.
Chúc các bạn thành công!
(Nguồn Savourydays.com)

About HongNgoc Foody

0 nhận xét:

Được tạo bởi Blogger.