Hương vị thơm ngon, hấp dẫn của siro vải đường đen sẽ khiến mùa hè bớt nóng.
1. Nguyên liệu
- 1,5 kg vải thiều, chọn vải tươi ngon không bị sâu đầu
- 1200ml nước trắng
- 800g đường đen Hàn Quốc hoặc đường mật mía, đường vàng, đường nâu (nấu đường này sẽ có mùi thơm hơn các loại đường khác, lượng đường có thể thay đổi theo ý muốn nhưng nên nấu ngọt một chút vì còn pha thêm với đá và các nguyên liệu khác)
- Muối tinh
- Lọ thuỷ tinh hoặc lọ nhựa an toàn để đựng
⇒ Cách chọn vải ngon:
- Vỏ vải: Vỏ tươi, mỏng, gai ở vỏ vải nhẵn. Cành của quả vải dẻo và nhỏ. Đặc biệt, tránh chọn những quả vải cành đã khô, vỏ có đốm khô, nhất là có đốm nâu (vết thâm) ở cuống vì quả như vậy dễ bị sâu đầu.
- Màu sắc: Trông màu bên ngoài quả vải phải hồng tươi, ngon, quả đều nhau.
- Hình thức: Để chọn được vải thiều, lưu ý, vải thiều có hình thức không đẹp bằng vải lai. Quả vải thiều nhỏ hơn, chỉ bằng 70% vai lai. Quả tròn, hơi đều, trong khi giống vải lai quả vải to mọng, thân thuôn dài, hạt to.
- Hương vị: Khi nếm, vải có vị ngọt, có hương thơm đặc trưng.
- Hạt: Hạt nhỏ là vải ngon. Hạt dễ tách, đen nhánh là vải vừa chín tới, nên mua. Còn hạt có màu hồng, khó bóc thịt vải chứng tỏ quả còn xanh, ăn sẽ chua.
- Thịt quả: Thịt quả dày, trắng trong, mềm, căng nước. Nếu thịt quả biến sắc, khô, là vải đã để lâu ngày, chất lượng kém. Nếu có mùi rượu, thịt quả vải có màu khác lạ thì tuyệt đối không nên sử dụng.
- Vải ngon nhất khi vừa chín tới. Nếu mềm mà không có tính đàn hồi là quả đã quá chín, ăn không ngon.
2. Cách làm
- Vải cắt cuống ngâm vào chậu nước có pha chút muối trong 15 phút, đem ra rửa lại và để ráo nước.
- Đun sôi một nồi nước to, thêm vào 1 thìa cà phê muối tinh trắng, nước thật sôi thì thả hết chỗ vải vào đảo đều, chần vải trong 2-3 phút vớt ra chậu nước đá lạnh.
Làm cách này để khi bóc, lột bỏ hột sẽ dễ hơn vì lúc này thịt vải đã cứng hơn không bị nát hoặc chảy nước, cùi vải sẽ giòn ngon hơn.
- Vải ngâm trong chậu nước đá khoảng 20-30 phút cho nguội hẳn thì vớt ra để ráo nước.
- Bóc vỏ vải và lột bỏ hạt:
Cầm quả vải trên tay, bóc nhẹ phần cuống nhưng không cần bóc hết vỏ, dùng một cây kéo có phần đầu nhỏ cắt nhẹ nhàng xung quanh, ấn sâu phần đầu kéo vào trong quả vải xoay nhẹ và kẹp chặt rút hạt vải ra khỏi phần cùi rồi mới tiếp tục bóc lột phần vỏ vải.
Mọi người ngại tách hạt ra khỏi cùi thì để nguyên hạt cũng được nhưng khi ăn sẽ phải nhằn hạt. Làm lần lượt cho đến hết, tiếp tục ướp cùi vải với đá viên và cất vào ngăn mát tủ lạnh trong 15 phút để cùi vải luôn được giòn ngon. (Quá trình bóc tách xong mà cùi vải bị bẩn thì nên rửa nhẹ nhàng lại với nước trước khi ướp cùi vải với đá để cùi vải sạch sẽ, trắng tinh và đảm bảo vệ sinh hơn).
- Đổ 1,2 lít nước trắng vào nồi, nước sôi đổ hết phần đường đen vào, khuấy đều cho tan đường, có bọt nổi lên thì hớt bỏ bọt. Nước đường sôi lại tắt bếp để nguội.
- Vải ướp với chút đá viên cất ngăn mát tủ lạnh sau 15 phút vớt ra để ráo nước.
- Xếp vải vào lọ, đổ phần nước đường ngập vải, đậy kín cất ngăn mát tủ lạnh hôm sau dùng được luôn.
Còn một cách khác, khi nước đường sôi thả cùi vải vào, đảo đều và tắt bếp nhấc nồi siro vải ra ngoài ngay, đợi nguội đổ tất cả vào lọ nhưng làm như này sẽ giảm bớt sự giòn của cùi vải.
- Siro vải đường đen này có thể để ngăn mát tủ lạnh cả tháng hoặc lâu hơn nữa.
➤ Có rất nhiều cách chế biến đồ uống từ siro vải:
- Cách 1: Múc vài quả vải và chút nước đường ra cốc, thêm chút đá khuấy cho đều, ngọt nhạt có thể điều chỉnh bằng cách thêm đá hoặc thêm nước,múc vài thìa nước cốt dừa dưới lên trên và thưởng thức.
- Cách 2: Pha siro vải với nước chanh, quất, thêm đá và vài lá bạc hà rồi thưởng thức.
- Cách 3: Pha gói trà lipton ra cốc, múc siro vải vào thêm đá thành trà vải.
Chúc các bạn thành công!
(Theo Tô Hưng Giang/ Eva.vn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét