Tên là Chè hoa cau nhưng thành phần nguyên liệu lại không phải từ hoa cau.
Nhắc đến chè nghe đã thấy ngọt ngọt nhưng thêm đá lạnh vào là mát lịm cả trưa hè nóng oi ả. Ấy vậy mà chè hoa cau lại không ngọt đâu nhé, chỉ hơi ngọt man mát đầu lưỡi thôi. Vì vậy người ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh mát, đặc biệt được tạo nên từ bột sắn dây nên đúng là mát miệng mà mát người thật.
Hoa cau nhìn thấy ở đây là những hạt đậu xanh được hấp chín bở tơi nhưng không vỡ nát, cho vào nồi chè bột sắn dây đã chín màu trong trong. Khi hỗn hợp được hòa quyện vào với nhau, đậu xanh chìm nổi bồng bềnh trông giống như hoa cau rụng ngoài thềm vậy Món chè này miền Bắc rất phổ biến, nguyên liệu và cách nấu chè hoa cau vô cùng đơn giản. Ai cũng có thể làm được và ai ăn cũng cảm thấy ngon vì vị thanh mát của nó, ăn không ngán vì không quá ngọt.
Đồ để ăn kèm với chè hoa cau thì thường là đá bào và nước cốt dừa, có khi chỉ ăn không thôi cũng thấy ngon rồi. Vì làm chè hoa cau quá dễ nên đáng nói hơn đó là ở Miền Bắc thường ăn cùng xôi vò – một món xôi làm rất kì công và không ít lần thất bại.
Xôi vò – chè hoa cau là cặp bài trùng ăn mãi không chán với những người nghiền đồ nếp. Hạt nếp dẻo kết hợp với vị thanh ngọt của chè hoa cau, dẻo dẻo mát mát, rất ngon.
1. Nguyên liệu
- 50g đậu xanh (thích ăn nhiều đậu xanh có thể tăng thêm đến 70g – 100g)
- 70g bột sắn dây (có thể thay bằng bột năng, tinh bột bắp)
- 110g – 140g đường (tùy sở thích ăn ngọt)
- 2 lá nếp (lá dứa) cho thơm
- 1 lít nước
- 1/8 thìa cafe muối
- Hoa bưởi hoặc tinh dầu hoa bưởi (nếu có)
2. Cách làm
- Đậu xanh vo sạch, ngâm nước 4 tiếng cho nở, (dùng nước ấm nóng thì nhanh hơn, ngâm 1 – 2 tiếng). Cho ra rổ/ rá để ráo nước. Rắc xíu muối lên (1/8 tsp) xóc đều.
- Hấp đậu xanh cho chín, khoảng 15 – 20 phút. Hạt đỗ còn nguyên hạt, khi bóp ra bở tơi, tránh để nát quá.
Có thể nấu bằng nồi cơm điện cũng được, nhưng vì ít đậu xanh nên dùng luôn xửng hấp của nồi cơm điện để hấp cho nhanh.
- Để đậu xanh đã hấp ra đĩa cho nguội bớt.
- Bột sắn dây hòa tan vào 200ml nước. Dùng màng lọc hoặc rây mịn để lọc cặn của bột sắn, hớt sạch những bụi bẩn của nước bột sắn dây.
Đối với bột năng và tinh bột ngô thì không cần thiết phải lọc.
- Đun 800ml nước còn lại với đường. Thả lá nếp (lá dứa) vào cho thơm. Đun sôi.
Nếu có cánh hoa bưởi thì cho vào đun sôi một vài phút cho ra mùi thơm. Vớt xác cánh hoa bưởi bỏ đi.
- Một tay đổ từ từ bột sắn dây đã hòa nước vào nồi, một tay quậy từ từ để nồi chè không bị vón cục.
- Đun sôi, hạ lửa nhỏ ngay tránh để bọt sôi nhiều, nồi chè sẽ có nhiều bọt, không được trong nữa. Vớt lá nếp (lá dứa) bỏ đi.
- Cho 3/4 lượng đậu xanh vừa hấp vào nồi chè bột sắn dây. Đảo đều, đun sôi lại, tắt bếp.
- Múc chè hoa cau ra từng bát con, để nguội.
- Sau khi chè hoa cau đã nguội. Rắc phần đậu xanh đã hấp chín còn lại lên bề mặt bát chè, trông sẽ hấp dẫn hơn nhiều. Thêm chút đá bào và ít nước cốt dừa rưới lên, trộn đều ăn sẽ mát lạnh hợp với mùa hè. Khi không thích thì ăn không cũng ngon.
Đặc biệt hơn cả, thưởng thức chè hoa cau cùng xôi vò là một tuyệt tác.
Chúc các bạn thành công!
(Theo Milkyrich.com)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét