THẾ GIỚI ẨM THỰC

Bánh việt - á

Bánh lá dừa Bến Tre - nhân chuối

Nếu là người con miền Tây chắc hẳn bạn sẽ không còn xa lạ với món bánh lá dừa (hay còn gọi bánh dừa). Bánh khi ăn có vị dẻo của nếp, béo thơm cùng nước cốt dừa và hình hài chiếc bánh cuốn tròn như chiếc lò xo rất bắt mắt. Cùng Người Miền Tây tìm hiểu về loại bánh này cũng như quay về kí ức tuổi thơ của người dân nơi đây nhé!
Nguyên liệu chính để làm bánh lá dừa là nếp, cơm dừa, đậu đen, chuối hoặc đậu xanh cùng với lá dừa để gói bánh. Lá dừa chính là nguyên liệu đặc trưng tạo nên hương thơm hấp dẫn của bánh.
Vị bùi của đậu, vị ngọt của chuối và thoang thoảng mùi thơm nhẹ dịu của lá dừa quyện vào vị béo của nước cốt dừa, nếp nhớ mãi không quên.

1. Nguyên liệu 

- Gạo nếp: 1 kg
- Đậu đen: 100g
- Đường trắng: 200g
- Chuối sứ chín muồi: 500g
- Dừa nạo: 200g
- Nước cốt dừa: 2 chén
- Lá dừa non
- Muối: 1 thìa cafe

2. Thực hiện

- Nếp sau khi lựa được rửa sạch, ngâm qua đêm. Chọn loại nếp dẻo thơm.
- Đậu đen ngâm nước khoảng 3 giờ.
- Khi xào, cho nước cốt dừa cùng một ít muối đun xôi, sau đó cho nếp vào đảo trộn đến khi hạt nếp hấp thụ nước cốt dừa trở nên mềm, trương nở và hơi dính thì cho tiếp đậu đen vào xào chung. Nếp xào dừa sẽ chín sơ bộ.
- Chuối chọn những quả to, chín muồi để khi làm bánh có màu đỏ đẹp. Chuối thái khúc khoảng 2 đốt ngón tay rồi trộn đều với đường và một chút muối và để từ 20-30 phút cho thấm.
Nếu muốn nhân đỏ mà không quá ngọt khi ăn bánh, có thể thay thế đường bằng một ít rượu trắng với chuối.
- Trộn gạo nếp với đậu đen, dừa nạo, muối, đường trắng và nước cốt dừa.
- Lá dừa cuốn lại thành hình ống.
Lá dừa chính là nguyên liệu đặc trưng tạo nên hương thơm hấp dẫn và tên gọi của bánh. Phải là lá dừa non có màu trắng ngà hoặc lá dừa nước non đem phơi nắng cho lá hơi héo để dễ gói bánh và không bị rách.
- Cho hỗn hợp gạo nếp, đậu đen vào 1/3 ống bánh, thêm chuối vào, tiếp tục cho nếp vào gần đầy ống.
Lưu ý: Nếp nén chặt tay sẽ khiến bánh khô cứng. Nếp nén lỏng tay khiến bánh dễ bị rời.
- Dùng dây nilon hoặc dây chẻ nhỏ từ gân lá để buộc chiếc bánh sau khi đã gói kín.
Người gói thường cắn một đầu dây, tay giữ chặt các nuột dây, cột thật chặt để cố định cho bánh và phần lá dừa không bị bung ra ngoài.
- Bánh trước khi vào lò được cột chặt thành từng chùm. Mỗi chiếc bánh dài gần gang tay, to bằng quả dưa leo.
- Chuẩn bị lá dừa lót thành lớp mỏng dưới đáy nồi để tránh cháy bánh khi nấu. Bánh gói xong được cho vào nồi, đổ nước ngập bánh và đun bằng bếp củi hoặc gáo dừa. Việc nấu chín mất hơn 1 giờ đồng hồ, đến khi hạt nếp dính chặt vào nhau, nếp trong là bánh đã chín.
- Muốn được bảo quản lâu, bánh sau khi vớt ra phải được rửa qua nước lạnh, để ráo và treo lênDo được gói kín và kỹ càng nên thời gian bảo quản bánh tầm 2 – 3 ngày mà không lo bị hư.
- Khi ăn, bóc lá dừa và xắt miếng nhỏ vừa ăn.
Chúc các bạn thành công!

About HongNgoc Foody

0 nhận xét:

Được tạo bởi Blogger.