Người ta thường thích ngọt, chả ai thích đắng cay, chua chát. Nhưng có một thứ chua mà không người nội trợ nào có thể thiếu trong tủ bếp, đó là dấm. Dấm là một thứ gia vị cần thiết trong nhiều món ăn, như rau trộn, dưa chua, dưa món, ketchup, mustard…. Vượt ra khỏi bàn ăn, dấm còn làm được rất nhiều việc khác như như tẩy vết dơ, khử mùi hôi, thông cống. v.v.. Nhiều người lại còn cổ động những ích lợi về sức khỏe mà dấm mang lại. Đến nỗi có lần kia cô giáo của Hằng làm cho em ngạc nhiên khi quả quyết rằng: Chúng ta mới chỉ sử dụng một phần nhỏ, rất nhỏ trong số các lợi ích lan tràn mà dấm có thể mang đến. Có gì bí mật trong cái chai dấm tầm thường, nằm khiêm tốn ở góc tủ bếp? Còn có gì chúng ta chưa biết về dấm chăng? Mình thử sức nhau một vài câu đơn giản xem sao nhé:
1. Có bao nhiêu loại dấm?
Dấm luôn luôn có mặt trong tủ bếp, nhưng ít người trong chúng ta biết rằng dấm còn nhiều “anh chị em” khác rất có tên tuổi. Em xin kể ra một vài loại chính sau đây:
White Vinegar (Dấm trắng): Là loại phổ thông, không màu, chua gắt, bán trong các chai có nhãn hiệu “Distilled vinegar” hoặc “White Vinegar”, được dùng để chế biến những món phổ thông như dưa chua, ketchup, xà lách… Ngoài những công dụng trong nhà bếp, dấm trắng còn có thể dùng trong các công tác vệ sinh, tẩy rửa.
Apple Cider Vinegar (dấm táo): Dĩ nhiên, như tên gọi, dấm táo được làm từ những trái táo, loại dấm này rất chua, hơi nâu vàng. Nhiều người ưa chuộng dấm táo không chỉ như gia vị trong bếp mà còn như “dược thảo” giúp giảm cân, giảm đường trong máu, tốt cho tim mạch, chống ung thư….. Những lợi ích “ngất trời” này Hằng chỉ nghe đồn thổi viết lại cho vui, bản thân em chưa từng thử, nên không chống đối mà cũng chưa dám cổ vũ. Ai đã từng dùng dấm táo mà đạt được những lợi ích như trên, làm ơn kể lại cho sáng danh dấm táo, và làm ơn làm phúc cho bá tánh với nhé.
Rice Vinegar (dấm gạo): Phổ biến nhất ở Nhật Bản và Trung Hoa, làm bằng rượu gạo để cho lên men. Vị ngọt và dịu hơn dấm trắng. Cũng được cổ động như một thứ “dược thảo” giúp giảm nhiều thứ linh tinh trong cơ thể con người….
Balsamic Vinegar: Làm từ nước trái cây ép, phần lớn là nước nho ép. Có mầu nâu đậm, và vị ngọt. Balsamic nguyên thủy rất đắt tiền, loại bán ở chợ dễ mua hơn, nhưng không còn “gin” nữa vì đã được pha chế tùm lum.
Red Wine Vinegar, White Wine Vinegar: Đúng như tên gọi, loại dấm này chính là do rượu đỏ hoặc rượu trắng lên men.
Malt Vinegar (dấm lúa mạch): Làm bằng lúa mạch barley, chưng cất thành bia, rồi để cho lên men.
Chúng ta còn gặp nhiều loại dấm khác với những cái tên không phổ thông lắm như Champagne Vinegar, Sherry Vinegar, Cane Vinegar, Beer Vinegar, Coconut Vinegar…
2. Dấm giữ được phẩm chất trong bao lâu?
Bất cứ thứ gì dưới gầm trời cũng đều có bị thời gian tàn phá, gọi là quá đát. Những gương mặt xinh đẹp mà quá đát thì trở nên nhăn nheo, dúm dó. Thực phẩm ngon lành cách mấy để lâu không dùng là sẽ thiu thối, hoặc lên men. Chỉ trừ có dấm: Dấm không thiu thối, không lên men. Thực ra, dấm chính là một dạng thực phẩm đã lên men rồi, nên chúng ta có thể nói mạnh miệng rằng: Dấm không quá đát. Quả thực là một món quà vô giá, một sản phẩm với rất nhiều công dụng mà lại rất bình dân, và trung thành với chúng ta. Do nồng độ acid khá cao, dấm thường được dùng làm chất bảo quản thiên nhiên, giúp giữ các loại thực phẩm khác được tươi lâu.
Tuy nhiên, phẩm chất của dấm không giống nhau: Có loại quá đát sớm hơn, có thứ chịu đựng lâu hơn, nhưng nói chung, tất cả mọi loại dấm đều “sống” rất lâu, trong số đó, dấm trắng sống dai nhất, gần như không bao giờ quá đát nếu được cất giữ trong những điều kiện thích hợp như: Đóng nắp kỹ càng, giữ trong nơi mát mẻ, không bị ánh sáng soi tới….
Chà, không quá đát! Có áp dụng được với con người không nhỉ? Nhưng cái vụ “đóng nắp kỹ càng, không phô trương” xem vậy chứ khó lắm! Có ai bằng lòng “đóng nắp kỹ càng” để khỏi quá đát không ta?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét