THẾ GIỚI ẨM THỰC

Món ngon cho bé

Sữa chua từ sữa mẹ

Sữa chua là món ăn vừa ngon lại vừa rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé. Ngoài ra, nó còn giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, làm xương bé chắc khỏe hơn nhờ chứa hàm lượng canxi. Sữa chua mà lại làm từ sữa mẹ, chẳng phải lượng dinh dưỡng lại càng tăng lên đó sao.
Sữa chua làm từ sữa mẹ tuy có thể sẽ có mùi không hấp dẫn với người lớn do có chứa nhiều sắt và các vi chất khác gây tanh nhưng các mẹ hãy tin rằng bé yêu sẽ cực kỳ hào hứng với món ngon lạ mà quen này.

1. Nguyên liệu

-200ml sữa mẹ đông lạnh
-1 hộp sữa chua không đường
-2 thìa cà phê đường

2. Cách làm

- Giã đông sữa mẹ trữ đông.
- Thanh trùng sữa mẹ bằng cách đun nóng trong nồi cho đến khi sủi bọt lăn tăn ở mép nồi thì tắt bếp ngay. Nhiệt độ khoảng 70-80 độ C nhưng không được để sôi, sữa sẽ bớt hoi và thanh trùng. Đun sôi hẳn sữa sẽ bị mất chất.
Việc đun và thanh trùng sữa mẹ như vậy sẽ làm bất hoạt emzim Lipase - một loại enzim trong sữa mẹ và làm sữa có mùi xà phòng khi trữ đông. Các mẹ cũng đừng lo lắng sữa sẽ mất đi các chất dinh dưỡng khi đun nóng bởi enzim Lipase sẽ được "tiêu diệt" chỉ trong 5 giây và hoàn toàn không làm giảm lượng dinh dưỡng có trong sữa mẹ. 
Lưu ý: Các mẹ không sử dụng lò vi sóng để làm nóng sữa. Lò vi sóng sẽ không thể làm sữa nóng đều, điều này khiến cho các vi khuẩn vẫn có khả năng sống sót.
- Nhanh chóng làm cho phần sữa đã đun nóng vào nước đá, để sữa nguội đến khoảng 45 độ C.
Đây là nhiệt độ lý tưởng và cũng là khâu chủ chốt quyết định xem sữa chua thành phẩm có đông được hay không.
- Trong thời gian chờ sữa nguội, các mẹ cũng lấy sữa chua được dùng làm men bỏ ra khỏi tủ lạnh, để ở nhiệt độ thường trước cho tới khi sữa hết lạnh, loãng ra.
Nếu sữa chua cái vẫn còn lạnh hoặc đông đặc đã cho vào thì rất dễ làm sữa chua bị tách nước do các vi khuẩn có ích trong sữa chua lạnh gặp sữa mẹ ấm nóng sẽ bị sốc nhiệt.
- Cho 4 thìa cà phê men sữa chua và 2 thìa đường vào sữa mẹ rồi nhẹ nhàng khuấy đều.
Các mẹ nhớ khuấy nhẹ tay và khuấy tan hết nhé. Nếu khuấy mạnh quá cũng ảnh hưởng tới sự hoạt động của các vi khuẩn có ích trong sữa chua cái.
- Chia lượng sữa vừa pha được ra các cốc thủy tinh nhỏ.
Các mẹ lưu ý tiệt trùng cốc thủy tinh thật cẩn thận nhé.
- Ngâm cốc sữa chua trong nước ấm từ 40 - 50 độ C trong vòng 4-8 tiếng.
Hoặc Đặt hũ vào nồi cơm điện, đổ nước ấm khoảng 40 - 45 độ vào nồi, đậy kín, cắm dây cắm điện, bật chế độ WARM (ủ ấm). Ủ khoảng 6-8h là được.
Thời gian ngâm lâu hay chóng là tùy thuộc vào các mẹ muốn thành phẩm sữa chua của mình như thế nào. Sữa chua ngâm 4-6 tiếng sẽ có vị ngọt, và loãng, càng ngâm lâu sữa sẽ càng chua và đặc hơn. Tuy nhiên, dù có ủ bao lâu, các mẹ cũng nên nhớ đừng để quá 12 tiếng. Ngoài ra, ta không cần thiết phải mở nắp hộp ủ sữa chua để kiểm tra. Việc kiểm tra sữa thường xuyên đơn giản chỉ làm nước ngâm giảm nhiệt độ, sữa sẽ khó lên men.
- Sau thời gian ủ, mẹ nhanh tay lấy sữa cho vào tủ lạnh để bảo quản.

*Lưu ý khi cho bé ăn sữa chua:

- Để bé ăn sữa chua không bị viêm họng, bạn có thể để sữa chua ở nhiệt độ phòng trong vòng 15 phút trước khi ăn, hoặc làm ấm sữa bằng cách đặt sữa chua vào bát nước nóng. Không bao giờ đun sôi sữa chua, vì các vi khuẩn có lợi sẽ bị chết.
- Thời điểm ăn tốt nhất là sau bữa chính khoảng 20 phút, vừa tốt cho dạ dày, giúp nhanh tiêu hóa.
Không để sữa chua ở nhiệt độ phòng quá 1 tiếng đồng hồ. Vi khuẩn có hại sẽ phát triển và làm bé bị tiêu chảy nếu ăn phải sữa chua này.
Ngoài ra, sữa chua sẽ rất ngon khi được kết hợp với táo, đào, bơ và bí đỏ nghiền nhuyễn.
Trước khi trộn các loại quả xay với sữa chua, bạn có thể làm nóng bằng lò vi sóng rồi trộn sữa chua vào. Điều này sẽ làm cho sữa chua không quá lạnh với bé.
Chúc các mẹ thành công!
(Theo Eva.vn)

About HongNgoc Foody

0 nhận xét:

Được tạo bởi Blogger.