THẾ GIỚI ẨM THỰC

Đậu phụ

Tào phớ - sữa đậu nành

Soy Bean Pudding

Tofu Pudding

Beancurd jelly

Dou hua/Tau fu fa - Taho - Tahwa


Tào phớ hoa nhài truyền thống Việt Nam
Tào phớ (hay còn gọi là phớ, tào phở, tàu hủ/đậu hũ nước đường, đậu hoa, đậu pha) được làm từ đậu tương. Tào phớ có màu trắng ngà, vị bùi. Miếng tào phớ mịn tan như thạch rau câu (không đóng thành khối chắc như thạch) là một trong những đồ ăn vặt ưa thích tại nhiều nước Châu Á.
Tào phớ ở Hà Nội thường được bán rong; hình ảnh người bán hàng gánh một đầu là thùng tào phớ, đầu kia là một chạn nhỏ rong ruổi khắp các con đường, miệng rao " Ai...phớơơ đây" trở nên quen thuộc tại thành phố này. Tuy nhiên thời gian gần đây gánh hàng thường được thay thế bằng chiếc xe đạp cũng với "thiết kế" riêng để chở được hết đồ dùng.

Tào phớ thường được bắt gặp vào mùa hè, do đây là một đồ ăn "mát, giải nhiệt". Một đầu quang gánh treo một chiếc chạn nhỏ đủ đựng dăm bảy chiếc bát, với một bình nước đường và một xô nhỏ nước tráng. Đầu kia là thùng đựng tào phớ. Thùng đựng tào phớ thường được làm bằng gỗ ghép đóng đai. Tào phớ đựng trong thùng còn nóng hàng giờ. Người bán hớt từng lát tào phớ vào bát bằng một miếng tôn nhỏ, đồ dùng để hớt xưa thường gặp là một mảnh vỏ trai to, sáng và óng ánh lớp xà cừ, nước đường pha vừa miệng, ướp hoa nhài tươi (thả trực tiếp vào bình đựng). Nước đường ấy chan ngập bát tào phớ. Người ăn có thể húp một hơi, cũng có thể dùng thìa dầm nhẹ tào phớ ra rồi xúc ăn. Mùa hè, có thể thêm đá vụn vào bát ăn cho mát. Sau loại thùng gỗ, đồ hớt tào phớ cũng được thay thế bằng kim loại, tuy nhiên tào phớ vẫn được ưa thích.

Tào phớ ở Huế, Đà Nẵng và nhiều nơi ở miền Trung cũng được bán rong nhiều, tại các nơi này nó được gọi là đậu hũ. Vị đậu hũ có khác với tào phớ ở Hà Nội. Đậu hũ Huế nấu có cho thêm chút gừng giã dập hoặc xắt lát, thơm và cay, miếng đậu hũ "lỏng" hơn, thường không định hình. Ngày xưa người bán hàng thường gánh hàng đựng trong chum, vại bằng đất nung màu nâu khoảng chừng 20 lít. Khi có khách hàng cần phục vụ, họ dùng cái "muỗng" dẹt gần như phẳng để hớt đậu hũ, thành từng lát mỏng, ra bát. Đậu hũ Huế có thể ăn rắc đường lên trên hoặc không cần đường.

Người trong miền Nam, nhất là Sài Gòn, thường gọi món này là tàu hủ hay tàu hủ nước đường. So với tào phớ ở miền Bắc và đậu hũ miền Trung, tàu hủ đặc hơn, có thể có nước cốt dừa, thường được ăn nóng với nước đường, thêm chút gừng và nhiều nơi còn thêm những viên bột lọc nhỏ gọi là bánh lọt. Tàu hủ thường được bán trên các đòn gánh hàng rong hoặc xe đẩy với tiếng rao ơi ới: Tàu hủ đâyy. Người bán thường là phụ nữ với lộ trình đi qua nhiều ngõ hẻm. Đôi khi tàu hủ được bán chung với chuối nước dừa, chè... Người bán thường có sẵn đòn và chén để múc cho người mua ăn tại chỗ, dụng cụ múc tàu hủ cũng dẹt như ở miền Trung. Tàu hủ có thể bán theo chén hay đóng gói để gặm mút như chè, tuy nhiên cách thịnh hành nhất vẫn là ăn bằng chén.

Ngoài ra ở Sài Gòn còn cách chế biến khác đó là tàu hủ dầm với nước đá, nước dừa... gọi là tàu hủ đá. Tàu hủ đá thường được bán ở các quán chè. Món này ăn mát, mùi dịu đặc trưng, được giới học sinh rất ưa thích.

<><><> TÀU HŨ PHIÊU LƯU KÝ<><><>

Được làm từ nậu nành, đậu hũ có lẽ là phát minh quan trọng bậc nhất của ẩm thực Trung Hoa.
Douhua ở một nhà hàng Tứ Xuyên (Trung Quốc) chan nước đường nấu kỉ tử (wolfberry)
Ở miền bắc Trung Quốc, tào phớ (douhua) được ăn với nước tương, do đó tạo ra hương vị thơm ngon. Người dân địa phương Bắc Kinh thường ăn douhua cho bữa ăn sáng cùng với trứng hoặc bánh ngọt (bánh bột chiên).
Douhua ở Tứ Xuyên thường không có đường mà như một món mặn, ăn với một số gia vị như ớt chưng, nước tương, hạt tiêu Tứ Xuyên, hành lá và các loại hạt (đậu nành sấy), và đôi khi ăn cùng cơm cũng rất ngon.

Quảng Đông, chén douhua chan nước đường còn được rắc lên một ít mè đen và đôi khi cũng có nước cốt dừa (như cách ăn đậu hủ ở miền Nam nước ta). Trong thành phần thực phẩm của một bữa dim sum theo kiểu Quảng Đông, bao giờ cũng có món tàu hủ, thường được chứa trong thùng hay xô bàng gỗ thay vì bằng kim loại.
Riêng với ẩm thực của đảo Đài Loan thì món douhua có thêm đậu phộng rang giã nhỏ rắc lên trên, thậm chí người ta còn ăn đậu hũ với các loại đậu đỏ, đậu xanh, hạt sen, yến mạch, bột khoai mì, và nước đường có gừng hay hạnh nhân. Vào mùa hè, tàu hủ được ăn lạnh với đá bào, mùa đông thì ăn nóng.
Philippine, được gọi là taho và được bán bởi người bán hàng rong vào buổi sáng, thường có thêm đường mía (sugarcane syrup)  hay siro dâu (strawberry syrup).
"Tahô...Tahô" - đó là tiếng rao của những magtatahô (người bán rong tahô) trên các hẻm phố ở Manila cũng như ở khắp nơi trên đất nước Philippines. Tahô chính là tàu hủ nước đường, món ăn chơi được những người đàn ông - thay vì phụ nữ như tại Việt Nam - gánh bán rong, ở hai đầu chiếc đòn gánh bằng tre là hai chiếc nồi nhôm to, một chứa tàu hủ còn một là nước đường nâu và những viên bột sago, được chiết xuất từ lõi cây cọ nhiệt đới, ăn kèm với tahô. Những viên bột sago phải được nấu sao cho thật dẻo và trong suốt, còn nước đường nâu phải có thêm hương của vani. Ngoài ra ở thành phố Baguio trên đảo Luzon, người ta có bán loại tahô với sirô dâu thay vì nước đường hương vani, hoặc nước đường với hương vị chocolate hay hương lá dứa giống như ở Việt Nam.
Taho với sago pearl và sugar syrup
Taho với siro  dâu tây (strawberry syrup)
Indonesia, tàu hủ có tên là kembang tahu (kembang nghĩa là "hoa"), còn trên đảo Java nó được gọi là wedang tahu (wedang nghĩa là "nước nóng có gừng", Tahu có nghĩa là đậu phụ). Nước đường thốt nốt thì ngoài gừng còn có thêm mùi lá dứa. Kembang tahu được bán rong trên khắp đất nước Hồi giáo này; người bán hoặc gánh hoặc dùng xe đẩy tay, ngoài kembang tahu họ còn bán cả sữa đậu nành nóng.
Tại Malaysia và Singapore, nó thường được biết đến với cái tên tow huay hoặc tau huay. Nó thường được dùng với nước đường, cùng với hạt bạch quả hoặc nước đường nấu lá dứa . Ngoài ra, nó cũng có thể được chan nước đường thốt nốt.
Thái Lan, món tàu hủ được gọi là tao huai (เต้าฮวย). Nếu ăn lạnh cùng với sữa, trái cây thì nó có tên là tao huai nom sot (เต้าฮวยนมสด),  taohuai fruit salad(เต้าฮวยฟรุตสลัด) , còn nếu ăn nóng với nước đường có gừng going như tại Việt Nam thì nó là tao huai nam khing (เต้าฮวยน้ำขิง). Điều lạ là món tao huai nam khing thường được ăn cùng với những dầu cháo quẩy (quẩy nóng) của người Hoa.
Tao huai nom sot
Tao huai nam khing
Có thể nói không ở đâu món tào phớ có nhiều "biến tấu" như tại Việt Nam, nhất là ở Hà Nội. Nếu trước đây, tào phớ "truyền thống" miền Bắc chỉ có nước đường và hương hoa nhài thì nay khó biết được có bao nhiêu loại tào phớ ở các quán xá thủ đô. Trên phố Nguyễn Du, quán tào phở có tên "Tofu - Hơn cả tào phớ" bán hơn 20 loại tào phớ khác nhau: tào phớ hạt sen, tào phớ mứt gừng, tào phớ sương sa, tào phớ thạch mâm xôi, tào phớ long nhãn, tào phớ rhum cà phê... Tất cả đều có dạng cocktail được pha chế khéo, các thành phần nguyên liệu không "chỏi" nhau, đặc biệt là nước đường mỗi loại được pha chế riêng, hẳn là bí quyết thành công của quán.
Một cách ăn tào phớ mới phổ biến gần đây tại một vài quán vỉa hè Hà Nội là thay vì nước đường, dùng sữa đậu nành (tất nhiên có đường); ly tào phớ vì thế không ngọt gắt cổ mà dịu hơn, lại đậm đà hơn về chất. Trong khi đó, ở một quán vỉa hè trên phố Bạch Mai thì tào phớ lại được ăn chung với chè đậu xanh nóng. Cũng là một cách kết hợp khá thú vị!
Còn hai hàng tào phớ đều có tên "Vua tào phớ" ở quận Đống Đa thì du nhập khá nhiều loại tào phớ từ Đài Loan (như đã nói ở trên), đặc biệt là món tào phớ ăn cùng hạt sen nấu chín mềm, nóng hoặc lạnh. Lại có người kết hớp tào phớ với... cà phê hay chè thập cẩm - tào phớ
Việt Nam, tào phớ khác nhau ở ba miền:
Miền Bắc - chan nước đường ướp hoa nhài. Nó được ăn nóng vào mùa đông và lạnh với đá xay vào mùa hè.
Miền Trung - nước đường nấu gừng. Miếng tào phớ thường không có hình dạng vì sự mềm mại của chúng.
Miền Nam - được ăn nóng với vải và nước dừa. Gừng là tùy chọn. Miếng tào phớ cứng hơn Miền Bắc và Miền Trung.

I - TÀO PHỚ - ĐƯỜNG NHO


Với cách làm dưới đây: 500g đậu tương sẽ làm được tào phớ đủ 4-6 người ăn và gần 1lít sữa đậu nành thơm ngon. Tào phớ rất đông, đặc,  không bị ra nước nhiều. Bí quyết ở chỗ là làm sữa đậu nành đặc thì tào phớ sẽ đặc.

1.1. Nguyên liệu

-500g đậu tương
-Đường nho (mua ở các cửa hàng làm bánh)
+ thìa ăn sữa chua để đong đường nho (nhất thiết là phải có cái thìa này)
-1 bó lá dứa (nếu có, để sữa đậu nành được thơm hơn)
-Đường vàng: 100g (để làm nước chan tào phớ)
-1 tấm vải xô to gập lại làm 4 (mua ở cửa hàng bán đồ cho bé, mua loại khăn xô tắm)

1.2. Cách làm

*Ngâm đậu tương:
- Ngâm đậu tương 12-14 tiếng hoặc qua đêm (4 tiếng lại thay nước 1 lần), khi đó vỏ đỗ tương vò nhẹ sẽ bung ra, đãi sạch vỏ, đãi sạch vỏ 70% là được.
*Xay đậu tương:
- Cho đỗ tương vào máy xay sinh tố với 1 chút nước, xay nhỏ, càng nhỏ càng tốt
- Sau khi xay xong
- Thêm 200ml nước lọc, dùng tay bóp kĩ.
- Lọc qua tấm vải xô thu được sữa đậu nành.
*Làm sữa đậu nành:
- Cho sữa đậu nành+lá dứa (lá dứa bó gọn lại) lên bếp đun ở lửa trung bình, 2-3 phút đảo nhẹ 1 lần để không bị cháy đáy nồi. Lưu ý không đậy vung và hớt bọt trong khi đun.
- Khi sữa sôi bùng lên nhanh tay vặn lửa nhỏ, đun sôi lăn tăn thêm 5 phút nữa, vớt bó lá dứa ra.
- Tắt bếp, để nguội. Hòa thêm đường trắng vào sữa (lượng đường tùy theo khẩu vị). >>> Được Sữa Đậu Nành.
*Làm tào phớ:
- Múc lấy 800ml sữa đậu đang sôi ra 1 cái bát to hoặc cái nồi to.
- Đong 1 thìa sữa chua đường nho gạt ngang.
- Lấy ruột nồi cơm điện (ruột nồi cơm điện phải khô ráo), cho 3 thìa sữa chua nước lọc vào nồi + 1 thìa sữa chua đường nho (gạt ngang) lắc đều cho đường tan.
Lưu ý:  Phải dùng nước lọc không được thay bằng các loại nước khác. Thìa để đong là thìa ăn sữa chua. Vì đường nho rất nhanh chua nên khi sữa đậu nành được mới tiến hành pha đường nho với nước lọc.
- Cực kì nhanh tay đổ 800ml sữa đậu nành vào nồi đường nho, đổ nhanh dứt khoát (không làm ngược lại). Đổ xong nhớ hớt bọt để tào phớ được mịn.
- Để yên tào phớ 30 phút, không bê đi bê lại. (Sau 30 phút thì có thể bê đi bê lại thoải mái).
- Cuối cùng thu được tào phớ rất đặc và mịn.
*Làm nước đường chan tào phớ:
- 1 lít nước lã + 100g đường vàng khuấy đều cho tan rồi đun sôi lên.

1.3. Lưu ý

- Để làm đông sữa đậu bằng đường nho cần đựng sữa trong các vật có khả năng giữ nhiệt tốt, vậy bạn có thể chuẩn bị một chiếc cặp lồng, nồi cơm điện hoặc bát sứ loại dày.
- Chỉ hòa tan đường nho khi sữa đậu đã sôi nhé, vì đường nho rất nhanh bị chua đấy!
- Tào phớ nên măm hết trong ngày, không hết bảo quản ngăn mát tủ lạnh, hôm sau có hiện tượng ra rất nhiều nước, măm vẫn măm được nhưng không ngon như lúc đầu nữa.
- Đường nho sau khi mở buộc kín lại, bảo quản ở cánh cửa tủ lạnh ngăn mát.
- Nước đường chan tào phớ để lạnh thì khi măm không cần thêm đá.

II - TÀO PHỚ - THẠCH CAO PHI


Món tào phớ hay còn được gọi là đậu hũ nước đường ngon mát rất thích hợp để thưởng thức trong những ngày nắng nóng.

2.1. Nguyên liệu

*Phần tào phớ:
- 200g đậu nành
- 50g bột gạo
- 5g thạch cao phi
- 1,5 lít nước
- Ít lá dứa
*Phần nước đường:
- 200g đường thốt nốt
- 150g nước
- 30g gừng

2.2. Cách làm

*Làm tào phớ:
- Đậu nành, vo sạch, ngâm với 1,5 lít nước trong 3-4 giờ.
- Cho vào máy xay, xay nhuyễn với nước ngâm đậu. Cho nước đậu vào bao vải, nhồi thật kỹ để đậu nành ra hết chất chỉ còn bã trong bao vải. 
- Thêm ít lá dứa vào nồi nước đậu nấu sôi kỹ. Trong lúc nấu hớt bọt và nhớ khuấy đều liên tục. Như thế là có sữa đậu nành.
- Pha bột gạo với ít nước cho tan, rây lại cho mịn. Cho từ từ cho một bát sữa vừa sôi vào phần nước bột gạo, vừa cho vào vừa khuấy đều để tránh vón cục.
- Cho nước bột gạo trở lại nồi sữa, đun sôi trở lại. Lưu ý là khi nấu sữa đậu nành nhớ khuấy liên tục, kẻo sữa bị khét.
- Chuẩn bị nồi ủ đậu:
Bột thạch cao phi
Cho thạch cao phi vào nồi, thêm ít nước, khuấy tan, phết quanh thành nồi thành lớp mỏng.
Khi sữa sôi thì nhanh tay đổ sữa vào nồi đã chuẩn bị. Phủ lên nồi một tấm khăn khô. Đậy nắp nồi kín lại.
Sau khoảng 2 giờ là đậu hũ đặc lại.
*Nấu nước đường:
- Gừng cạo vỏ, rửa sạch, cắt lát mỏng.  
- Cho đường và nước vào nồi với ít lá dứa, đun cho đường tan và sôi lên thì cho gừng vào.
Đun cho đường hơi sánh lại.

III - TÀO PHỚ - GELATIN


Chỉ tốn 15 phút và 5 bước đơn giản, bạn có thể làm được mẻ tào phớ mát lạnh mời cả nhà hè này!

3.1. Nguyên liệu

-400ml sữa đậu nành
-3 lá gelatin (mỗi lá 2,5g)
-Đường hoa mai+hoa nhài

3.2. Cách làm

- Gelatin ngâm vào nước sôi để nguội 10 phút, chắt bớt nước chỉ để lại khoảng 1 thìa canh.
- Trong thời gian chờ gelatin ngâm thì bạn đổ sữa đậu nành ra bát, cho vào lò vi sóng hâm nóng lên. Nếu không có lò bạn có thể đun ấm lên nhé, nhưng chú ý là không được để sữa sôi.
- Tiếp tục cho gelatin vào lò vi sóng quay cho tan hẳn, nếu không có lò có thể chưng cách thủy.
- Hòa gelatin với sữa đậu nành cho thật đều, để vào ngăn mát tủ lạnh 3-4 tiếng cho sữa đông lại.
- Đun nước đường hoa mai. Để nguội nước đường rồi cho vào tủ lạnh ướp cho thật lạnh. Có thể dùng bằng nước lá dứa hoặc bằng nước hoa bưởi, hoa nhài ướp. Nếu dùng nước hoa bưởi hoặc hoa nhài trong cách làm tào phớ thì các bạn thêm chúng vào khi nước đường đã nguội. Ướp khoảng 30 phút rồi đem lọc qua vài lần để bỏ cặn và giúp nước ngọt dịu mà không gắt.

IV - ĐỒ ĂN KÈM

4.0. Thạch sương sáo

- Thạch sương sáo được làm từ gói bột thạch của Thuận Phát. Rất tiện. Đầu tiên là cắt túi, đổ bột thạch vào nồi (đổ nhẹ tay và cẩn thận để bột thạch không bay lung tung, bụi mù mịt nha). Tiếp theo là pha thêm nước (không nóng và không quá lạnh, có thể dùng nước máy hoặc nước lọc).
- Vỏ bao có ghi dùng 1 lít nước cho 50 gram bột thạch nhưng mình thích ăn thạch giòn cứng nên chỉ dùng 900ml thôi. Nên cho thêm chút đường và muối nữa (mình dùng 30 gram đường và một chút xíu muối), để thạch đậm đà và bớt vị đắng. Sau khi đổ nước vào nồi thì quấy thật đều cho bột thạch tan hết, để khoảng 10 -15 phút cho bột thạch nở (hình 2).
- Bắc nồi lên bếp, vặn lửa gần to để đun hỗn hợp thạch. Trong quá trình đun các bạn nhớ quấy đều và liên tục, tránh cho phần đáy nồi bị cháy khê nhé. Bột thạch sẽ đặc dần lại, và chuyển màu đen hơn.
- Sau khi thạch đã đặc rồi thì mình hạ nhỏ lửa, quấy tiếp thêm khoảng 3 - 4 phút nữa rồi bắc khỏi bếp và ngay lập tức đổ vào khuôn (bát, hộp vuông).Thạch đông rất nhanh nên phải đổ nhanh tay nhé.
Đến đây là xong rồi, đợi thạch nguội rồi cho vào tủ lạnh. Khi thạch cứng hẳn thì cắt thành miếng vuông cỡ 1.5 x 1.5cm. Nếu có dao lưỡi răng cưa để cắt thì sẽ đẹp hơn. Ngoài cắt miếng vuông, có thể cắt thạch thành dạng sợi cũng rất ổn.

4.1. Thạch rau câu

*Nguyên liệu:
- Bột rau câu: ½ gói (khoảng 15g)
- Đường: 50g
- Nước: 500ml
- Màu thực phẩm
*Cách làm:
- Trộn chung bột rau câu với đường. Đun sôi 500ml trong một cái nồi rồi đổ bột rau câu trộn đường vào, quấy đều. Nhỏ vào 1-2 giọt màu thực phẩm (dùng màu nâu, xanh, đỏ... theo sở thích). Đun sôi trong 3-4 phút, hớt bỏ bọt, tắt bếp rồi đổ thạch vào khuôn, để nguội cho thạch đông lại. Đem cắt thạch thành những miếng nhỏ.
4.2. Hạt é
- Hạt é: 1 thìa ăn phở
- Hạt é ngâm nước nóng cho nở.

4.3. Hạt trân châu

*Nguyên liệu:
- Bột năng: 100g
- Đường: 50g
- Nước nóng
- Màu thực phẩm (tùy chọn-không có sẽ cho hạt chân trâu màu trắng trong)
*Cách làm:
- Cho bột năng, đường và 1-2 giọt màu thực phẩm vào chung 1 bát, đổ từ từ nước nóng vào, vừa đổ vừa dùng đũa quấy đều. Khi bột ở dạng nửa sống nửa chín thì đem nhào đều thành 1 khối bột không dính tay là được. Sau đó ngắt từng miếng nhỏ bột, vê thành những viên tròn. 
- Đun sôi 1 nồi nước, thả những viên bột vào luộc. Khi viên bột nổi lên mặt nước thì vớt ra ngâm vào bát nước lạnh.

4.4. Bánh flan - caramen

*Nguyên liệu:
-50g đường trắng
-¼ quả chanh
-100ml sữa đặc có đường
-300ml sữa tươi không đường
-2 quả trứng gà
-1 muỗng cà phê vani
*Cách làm:
- Thắng đường: Cho 50g đường + 20ml nước vào nồi, đun nhỏ lửa cho đường tan ra, cho đến khi màu nước đường trở thành mầu nâu sậm (màu cánh gián) là được. Vắt chanh, tắt bếp. Nhanh tay đổ vào khuôn chờ đông cứng.
- Khuấy đều nhẹ nhàng 2 quả trứng gà với 1 muỗng cà phê vani.. Nếu bạn muốn ăn ngọt có thể cho thêm 1-2 thìa café đường ở công đoạn này.
- Cho sữa tươi và sữa đặc vào nồi. Đun lửa vừa và khuấy đều tay. Đến khi sữa gần sôi thì bắc xuống, từ từ đổ sữa nóng vào âu trứng đường, vừa đổ vừa nhẹ nhàng khuấy đều.
- Lọc hỗn hợp trên qua rây rồi chia vào các khuôn đã có sẵn lớp caramen.
Bạn lưu ý nhé: Nên đun kem sữa cho nóng (chỉ nóng vừa phải, không đun sôi) rồi mới đổ vào trứng để trứng bớt tanh và hạn chế rỗ bánh.
- Cho vào nồi hấp cách thủy tầm 20-30 phút.Trong quá trình hấp, cứ 10 phút lại mở vung lau nước đọng 1 lần. Thử bánh chín bằng cách cắm một que tăm vào giữa bánh, rút lên không thấy nước, tăm sạch là đã chín.
Sau khi bánh chín, để ngăn mát tủ lạnh 2 -3 tiếng. Dùng dao nhọn, mảnh để lách quanh thành khuôn rồi úp khuôn xuống đĩa để lấy bánh ra.

4.5. Long nhãn

*Với long nhãn:
Long nhãn rửa sạch, sau đó cho vào nồi đun cùng nước đường, đợi cho sôi khoảng 3-5 phút thì tắt bếp.
*Với cùi nhãn tươi: 300g nhãn+60g đường
- Nhãn bóc vỏ, bỏ hạt, ướp với phần đường kính.
- Nhãn sau khi ngấm đường cho vào chảo chống dính, sên nhãn cho tới khi đường chuyển màu cánh gián bám vào xung quanh miếng nhãn là được.

4.6. Hạt sen (hầm chín mềm)

4.7. Bột báng

- Ngâm bột vào nước lạnh khoảng 10 - 15 phút cho bột nở mềm.
- Bắc lên bếp, đun sôi rồi hạ nhỏ lửa. Trong quá trình đun nên quấy đều để bột khỏi dính. Bột báng loại nhỏ chín khá nhanh, sau khi sôi khoảng 3 -; 5 phút là có thể chín rồi. Các bạn có thể múc thử bột lên, nếu thấy bột trong là đã chín (hoặc có thể ăn thử). Sau khi bột chín thì đổ bột ra rổ, xả lại bằng nước lạnh rồi cho bột vào bát. Có thể ngâm bột trong ít nước lạnh để bột không bị dính.

4.8. Dừa khô, dừa sợi, nước cốt dừa, cafe, kem tươi, bạc hà....


V - TRÌNH BÀY


- Dùng một muỗng thật mỏng để hớt tào phớ. Mình dùng một nắp đồ hộp/nắp hộp sữa đặc (rất mỏng), tạo được các lớp mỏng mà không nát (hoặc bạn cũng có thể tự chế bằng cách cắt chéo lon bia làm 2 phần, phần còn đáy lon bia thì dùng để xúc tào phớ).


- Cho thêm 1 ít thạch, 1 ít hạt trân châu, 1 ít hạt é và 1 ít dừa tươi..... lên trên.
- Chan nước đường nóng lên và thưởng thức. Tùy sở thích mà dùng nóng hay lạnh. Nếu thích ăn thật lạnh thì thêm đá bào. Muốn có vị béo ngậy có thể thêm chút nước cốt dừa.
Tào phớ với trân châu, hạt é, dừa tươi

>>> Một số biến tấu của tào phớ.

Tào phớ được “mix” theo nhiều kiểu mới lạ như tào phớ hoa quả (mít, na, sầu riêng…), tào phớ hương hoa lá (nhài, bạc hà…) hay các loại tào phớ cho người hảo ngọt (sô cô la, caramen…), thậm chí các loại tào phớ đốt cồn độc đáo...
Tào phớ sương sáo
 Tào phớ hoa nhài
 Tào phớ thêm dừa khô, dừa tươi
 Tào phớ thập cẩm với caramen, trân châu và thạch
 Tào phớ long nhãn
 Tào phớ với trân châu, nhãn, thạch sương sáo
 Tào phớ mây với bánh chín tầng mấy, nước cốt dừa và kem tươi
 Tào phớ trong cốc nhựa
 Tào phớ bạc hà
 Tào phớ với kem tươi
Tào phớ cà phê
Tào phớ đậu đỏ nấu đường
Tào phớ được thêm chút nước cốt dừa
 Tào phớ trà xanh
 Tào phớ nha đam
Tào phớ thốt nốt
Tào phớ socola

3. Video hướng dẫn

V1. Tào phớ đường nho

V2. Tào phớ Gelatin
V3. Tào phớ 3 vị (lá dứa, trà xanh, cacao)
V4. Tào phớ Bột rau câu
Chúc các bạn thành công!
(Tổng hợp)

About HongNgoc Foody

0 nhận xét:

Được tạo bởi Blogger.