THẾ GIỚI ẨM THỰC

Bắp bò ngâm mắm

Bên cạnh những món ăn cầu kỳ, ngán của ngày Tết thì bắp bò ngâm mắm sẽ là một gợi ý rất hay cho các chị em nội trợ làm cho ông xã lai rai.
Cách làm bắp bò ngâm mắm không khó. Khi thưởng thức bắp bò ngâm mắm có vị mặn, ngọt và chua dịu, gân bò giòn thích hợp làm món nhậu.

1. Nguyên liệu

- 1kg bắp bò, chọn phần bắp hoa hoặc lõi rùa nhiều gân sẽ ngon hơn (bắp bò lọc hết phần mỡ bám quanh)
- Nước mắm ngon
- Dấm gạo
- Đường trắng
- Nước lọc
- Một ít hoa hồi, thảo quả, quế, gừng, tỏi, ớt chỉ thiên
- Ngoài ra bạn cần chuẩn bị một lọ ngâm bằng thủy tinh, khổ vừa miếng bắp bò chứ đừng quá to sẽ tốn nước mắm mà không ngập được mặt thịt khi ngâm

2. Cách làm

- Đong nước mắm, đường, dấm, nước lọc theo tỷ lệ: 2:2:1: ½. Tức là 2 thìa nước mắm, 2 thìa đường, 1 thìa dấm gạo và ½ thìa nước lọc cho vào nồi để đun. Lượng mắm pha nhiều hay ít sẽ phù hợp với thể tích lọ và lượng bò ngâm.
 Vị mặn nhạt của mỗi loại nước mắm có khác nhau nên khi pha hỗn hợp này bạn có thể điều chỉnh chút xíu sao cho vừa miệng. Dùng một nửa số tỏi và ớt bạn chuẩn bị, tỏi thái lát, ớt đập hơi dập để đun cùng với mắm, một nửa còn lại để nguyên để cho vào khi ngâm.
 Khi đun hỗn hợp mắm bạn để ý lửa vì mắm sôi rất dễ trào.
 Mắm sau khi sôi, đường tan hết bạn tắt bếp và để cho mắm thật nguội rồi mới tiến hành dùng để ngâm bắp bò.
- Nếu bắp bò còn nhiều mỡ thì bạn lóc bớt phần mỡ ở xung quanh, để khi ngâm với nước sẽ không bị đóng mỡ và không làm đục nước.
- Cho bắp bò đã làm sạch vào nồi, thả vào nồi một miếng gừng bằng đốt ngón tay cái đập dập, 2-3 nhánh hoa hồi và thảo quả đập dập, 1 miếng quế và một xíu muối tinh. Đổ nước ngập mặt thịt để luộc.
 (Có thể nướng gừng, quế, hồi, thảo quả cho thơm)
 Bật bếp đun trên lửa đến, đến khi sôi thì hạ bớt lửa lại, đun đến khi thịt mềm vừa.
 Luộc bắp bò nhanh hay chậm tùy thuộc vào độ dày của miếng bắp bò nhưng luộc khoảng 30 phút bạn dùng đũa sâm vào miếng thịt bò không thấy chảy ra nước hồng tức là bò đã chín, không cần luộc bò nhừ.
 Nếu có nồi áp suất thì bạn sử dụng để nấu cho nhanh, từ lúc nước sôi thì bạn vặn nhỏ lửa và đun thêm khoảng 20 phút nữa, tắt bếp.
 Cho bắp bò thả vào bát đá lạnh để bắp bò nguội mà không bị thâm phía ngoài.
- Bắp bò và mắm phải thật nguội bạn mới tiến hành cho vào lọ để ngâm. Món này sẽ rất dễ hỏng nếu như cả nước mắm ngâm và thịt bắp bò còn nóng.
- Lọ phải tráng sạch bằng nước sôi để ráo.
 Sau đó cho bắp bò vào lọ, đổ hỗn hợp mắm pha cho ngập mặt chỗ bắp bò, thả nốt 5-6 nhánh tỏi, 3-4 quả ớt tươi và ít hạt tiêu vào lọ. Nếu bò nổi lên trên bạn dùng que tre để ấn giữ hoặc dùng đĩa sứ, miếng nan tre chèn lên trên. Nước mắm không ngập đầy thì bắp bò sẽ bị mốc. Đậy kín lọ.
- Ngâm bò từ 5-7 ngày là có thể dùng được. Nếu bắp bò ngâm mắm bạn ăn một lần chưa hết thì cho vào bảo quản trong tủ lạnh nhé, vì thịt sẽ bị cứng nếu ngâm nước mắm quá lâu.
- Khi dùng bạn dùng dao sắc và thái bò thành những lát thật mỏng. Lựa phần bắp nhiều gân sẽ làm cho những lát bò khi ăn vừa có độ dai mà lại thấm vị mặn ngọt rất thú vị.
Với cách làm bắp bò ngâm mắm này, đảm bảo bạn sẽ có một món ăn ngon đãi khách. Trong những ngày Tết bạn có thể đem ra ăn kèm khi uống bia, rượu đãi khách. Ngoài ra, bạn có thế cuốn bánh tráng với bắp bò, rau sống, củ kiệu hoặc cà rốt, củ cải chua ngọt và ít bún thì đó sẽ là món giải ngấy trong mấy ngày Tết rất tuyệt.
Món bắp bò ngâm mắm với vị mặn, ngọt, chua, cay hài hòa ăn rất tuyệt. Mỗi loại mắm có độ mặn khác nhau nên trong quá trình làm thì bạn có thể nêm nếm cho gia vị sao vừa miệng, giữ được vị ngon và hợp với khầu vị của gia đình mình nhé!
*Bí quyết pha nước mắm ngâm bắp bò:
– Nước mắm dùng để ngâm nên chọn loại tốt, có độ đạm cao (mình dùng nước mắm Chinsu cá hồi, thấy cũng rất ổn). Khá tốn, mình dùng hết gần 1/2 chai mỗi lần làm món này.
– Dấm nên là dấm ăn (tức là đã ngâm với tỏi, ớt trước đó ít nhất vài ngày) chứ không nên là dấm thanh chưa ngâm, thường có mùi vị rất gắt.
– Tỏi phải già, vì tỏi non khi ngâm sẽ bị chuyển màu xanh
– Ớt hiểm (loại trái nhỏ, rất cay) là ngon nhất, mà ớt thường cũng không sao
– Đường: nên là đường nâu (màu đẹp hơn khi dùng đường trắng)
– Độ chua, mặn, ngọt tùy vào ý thích của từng người (nhưng tỉ lệ trên mình đã thử và kiểm chứng, nói chung là chuẩn) và tùy thuộc vào chất lượng, độ mặn – nhạt của từng loại nước mắm.
*Cách phân biệt các loại bắp bò:
– Bắp thường: trông giống miếng thịt thăn chuột, nói chung là quá dễ để phân biệt vì to hơn hẳn và các khối bắp không lẳn. Phần này chiếm hầu hết khối cơ ở 4 chân con bò, ăn bình thường, giá bán cũng rẻ hon nhiều so với 2 loại sau.
– Bắp hoa: Cái bắp nhỏ nằm ở đùi trước con bò, mỗi chân có chừng vài cái bắp như vậy. Nếu đặt đứng thì thấy bề mặt lõi nhỏ và dẹt hơn so với bắp lõi rùa. Bề mặt trơn, nhẵn. Ăn cũng rất giòn, ngọt nhưng không thể bằng lõi rùa, giá dao động từ 250.000đ – 350.000đ (tùy chợ)
– Bắp lõi rùa: Cái bắp nằm ở giữa lõi đùi sau của con bò, mỗi đùi chỉ có duy nhất 1 cái, nặng chỉ khoảng 2 – 3 lạng/1 cái thôi (cho nên mới nói nó hiếm, và rất đắt, chừng 400.000đ - 500.000đ/kg tùy chợ). Ở 2 đùi trước cũng có 2 cái bắp “gần giống bắp lõi rùa”, nhưng nhỏ hơn và ít gân hơn (chất lượng gần giống với bắp hoa nên không tính đến). So với bắp hoa thì bắp lõi rùa tròn hơn, to hơn (nếu là cùng một con bò) và đặc biệt nhất là bao giờ cũng có một dải thịt nằm ở rìa, vì phải lọc ra khỏi khối bắp to của đùi bò.

3. Video hướng dẫn

Chúc các bạn thành công!
(Theo Eva.vn)

About HongNgoc Foody

0 nhận xét:

Được tạo bởi Blogger.