Lod Chong Singapore (Cendol)
Nhắc tới chè Thái, hẳn ai cũng nghĩ ngay tới món chè có nước cốt dừa với nhiều mùi vị khác nhau. Tớ chỉ buồn cười mỗi lần có ai đó hỏi tớ là: “Làm chè Thái đi nhé!”, tớ đều quay lại hỏi ngay: “ Ăn chè Thái thế nào ạ?” Hehe, câu hỏi tuy ngớ ngẩn nhưng ai đã từng qua Thái thì hẳn cũng biết cách ăn chè của người Thái thế nào. Chao ôi, về mùi vị thì cơ man nào là các loại khác nhau (Hồi đó đi ăn chè tớ toàn “chỉ” nên chẳng thế nhớ nổi hết tên các loại). Chè Thái không đơn giản chỉ là một vài mùi vị đâu cả nhà ạ. Nếu hình dùng ra cách ăn chè ở Thái thì cả nhà sẽ thấy là chè Thái hầu như có thể cho bất cứ nguyên liệu gì vào cũng được và cái chính lại là ở chỗ có nước đường và nước cốt dừa cùng với đá bào nhuyễn nữa.
Thông thường, nếu đi ăn chè ở Thái, bọn tớ sẽ xếp hàng lần lượt, người bán chè sẽ lấy một cái bát, rồi múc đá bào nhuyễn vào bát. Tiếp đến bọn tớ chỉ khoảng 3,4 loại nguyên liệu mình thích để họ lấy. Rồi người bán chè sẽ hỏi tớ muốn ăn nước đường hay nước cốt dừa hay là cả hai thì họ mới tưới lên bát chè. Thế là mỗi đứa một bát chè với mùi vị khác nhau, tự trộn đều lên và thưởng thức thôi.
Sẽ thật thiếu xót, nếu tớ lại không có một bài nào nói về chè Thái, phải không cả nhà. Chính vì vậy, hôm nay tớ xin được giới thiệu với cả nhà một món chè rất nổi tiếng của Thái và chắc hẳn cả nhà cũng biết những sợi xanh xanh mà nhiều người gọi đó là “chè bánh lọt” hay sợi chè Thái. Có lẽ những sợi mỳ xanh xanh đó là đặc trưng cho món chè Thái tới mức mọi người gọi đó là sợi chè Thái.
Thật ra sợi chè Thái xanh xanh đó có tên là tiếng Anh là cendol, tên tiếng thái là Lod Chong. Có hai loại Lod Chong cả nhà ạ. Loại thứ nhất có tên là Lod Chong Thai, được làm từ bột gạo và bột đậu xanh. Bột sau khi khuấy lên sẽ được để vào 1 cái rổ để chảy qua lỗ nên có hình dáng giống như mấy con giun. Loại thứ hai tên là Lod Chong Singapore, được làm từ bột năng và cắt thành sợi giống sợi mỳ. Màu xanh của mấy sợi chè Thái này là màu xanh của lá dứa. Do được làm từ các loại bột khác nhau nên khi ăn hai loại cendol này cũng khác nhau. Lod Chong Thai ăn mềm, không dai như Lod Chong Singapore. Riêng tớ, tớ thích loại lod chong Singapore làm từ bột năng hơn vì khi ăn với chè có vị dai dai. Chính vì vậy, hôm nay tớ xin giới thiệu với cả nhà công thức và cách làm sợi chè Thái xanh xanh – lod chong Singapore nhé!
Nói một chút về nguồn gốc của Lod Chong Singapore, món này không phải xuất phát từ Singapore đâu cả nhà ạ. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì quán chè Lod Chong được mở đầu tiên có tên là Singapore và quán chè này đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng tới mức họ gọi luôn tên quán để phân biết loại lod chong này. Cũng giống như mình hay gọi các món như kiểu Chả cá Lã Vọng ấy …
Cái khó duy nhất là mình phải hiểu một chút về bột năng. Nếu bột năng đem đun lên như cách làm bánh bột lọc thì lúc mình gói là bột đã gần như chín. Nếu bột năn mà không chín, khi cho nước lạnh vào thì bột sẽ bở chứ không thể nhào nặn được. Như vậy, nhiệt độ nước nóng là vô cùng quan trọng ở đây. Hãy theo những bước hướng dẫn dưới đây, đảm bảo cả nhà sẽ có cốc chè Thái Cendol (Lod Chong Singapore) cực hấp dẫn.
1. Nguyên liệu
(cho khoảng 2 – 3 người ăn)
- ½ cup bột năng (tapioca starch) (60 g)
- 1/3 cup nước lá dứa (panda leave juice) (80 ml) hoặc ndùng 1/3 cup nước và nhỏ một vài giọt nước lá dứa chiết xuất (panda extract)).
- Nước sirô đường: Công thức rất dễ nhớ với tỉ lệ đường và nước là 1:1 nhé
- ½ cup đường thốt nốt đã được thái nhỏ (có thể dùng đường trắng thay thế)
- ½ cup nước (120 ml)
- Một vài giọt dầu hoa nhài (jasmine flavoring essence)
- Nước cốt dừa: Nếu ai không có nước cốt dừa có thể thay thế bằng sữa half and half (loại sữa béo hơn sữa tươi bình thường)
- ½ cup nước cốt dừa (120 ml) (coconut milk)
- ¼ cup nước (60 ml)
- Một vài lá dứa (panda leave)
- 3 – 4 miếng mít tươi hoặc mít đóng hộp, xé sợi nhỏ sẵn
2. Cách làm
- Đầu tiên, thái đường thốt nốt nhỏ và đong lượng đường và nước cho vào một cái nồi nhỏ. Đun cho tới khi đường tan hết thì tắt bếp và nhỏ một vài giọt dầu hoa nhài (jasmine flavoring essence). Để một bên cho nguội.
- Tiếp đến đong nước cốt dừa và nước và một chút muối, cho vào một cái nồi nhỏ khác. Cho lá dứa đã được bó lại để lát nữa dễ vớt ra bỏ đi. Đun nước cốt dừa cho tới lúc sôi thì tắt bếp, để nguội. Tới khi nào dùng thì mới lấy bó lá dứa ra nhé cả nhà.
Đầu tiên chuẩn bị sẵn các nguyên liệu: nước lá dứa, bột ra. Phần nước thì có thể cho vào một cái nồi nhỏ đun sôi hoặc cho vào lò vi sóng khoảng 2 phút cho tới khi nước thật sôi (Nhớ là phải sôi nóng thì mới được nhé cả nhà). Tớ đã thử nghiệm thì cả nhà nên rửa hoặc tráng bát đựng bột bằng nước nóng rồi lau thật khô, đổ bột vào bát (tức là đảm bảo là khi nước sôi đổ vào bát thì sẽ làm nóng bột chứ không bị nguội nhanh do phải làm nóng bát đựng bột nữa).
Tiếp theo, cả nhà nên thao tác nhanh, đổ khoảng ½ chỗ nước nóng vào bát bột, rồi lấy thìa gỗ đảo nhanh bột. Tiếp đến, tùy tình hình cả nhà cho chỉ nên đổ chút một nước vào và bắt đầu dùng tay nhào nếu thấy chỗ bột đó đã thành một cục bột (vì tùy thuộc vào loại bột nên độ hấp thụ nước cũng khác nhau nên nhiều khi cũng không cần phải dùng hết chỗ nước nóng đó).
Sau đó, cả nhà cho chỗ bột đó ra thớt hoặc mặt bàn sạch để nhào bột. Bột này thường dính nên cả nhà nhớ rắc bột năng ở phía dưới thớt và áo bột bàn tay để đỡ dính nhé. Bột đạt tiêu chuẩn là bột phải dẻo, kéo ra có độ dai, không bở như hình dưới. Theo kinh nghiệm của tớ thì không nên làm nhiều bột cùng một lúc. Nếu thích cả nhà có thể làm gấp đôi số bột hoặc làm nhiều lần vì như tớ nói ở trên, nhiệt độ rất quan trọng với bột năng.
Dùng đồ cán bột, cán bột mỏng. Nhớ rắc thêm bột năng để đỡ dính nhé. Nếu không có đồ cán bột, có thể dùng một cái chai để cán bột.
Dùng dao thái sợi miếng bột đã cán. Thái được một ít thì nên dừng lại, rắc thêm bột năng vào và trộn để đảm bảo các sợi “mỳ xanh” không dính vào nhau.
Bắc một nồi nước lên đun sôi, rồi thả những sợi mỳ xanh vào luộc. Cách luộc khá giống cách luộc trân châu nhé cả nhà. Giữ nước liu riu khoảng vài phút hoặc cho tới khi thấy sợi mỳ xanh trong trong là được.
Trong lúc đó, chuẩn bị sẵn một bát nước đá. Khi sợi mỳ cendol xong thì vớt cho vào bát nước đá đó. Bát nước đá sẽ giúp giữ cho sợi cendol không bị dính vào nhau.
Như vậy, các thành phần của món chè Thái Lod Chong Singapore đã hoàn thành. Chuẩn bị các nguyên liệu sẵn ra và cũng làm giống bát bán chè ở bên Thái hồi đó!
Đầu tiên, chuẩn bị sẵn ly đá, tiếp đến múc sợi cendol xanh vào cốc, múc khoảng 2 – 3 thìa sirô đường (tùy vào sở thích ăn ngọt nhạt) và khoảng 2 – 3 thìa nước cốt dừa (cũng tùy thích). Cuối cùng, rắc một ít mít xé sợi lên trên. Thế là ta đã hoàn thành xong một cốc chè Thái – Lod Chong Singapore chính hiệu rồi đó.
Nhìn cốc chè Thái lúc nào cũng thật bắt mắt phải không cả nhà^^ Khi ăn, từ từ trộn đều các nguyên liệu lên cùng nhau. Nước đá sẽ chảy ra từ từ và mọi thứ được hòa quện bởi mùi thơm của nước cốt dừa, ngọt mát của đường thốt nốt, mà vẫn thoảng vị đâu đấy là mùi lá dứa, mùi hoa nhài và tất nhiên là lại có thêm mấy miếng mít sần sật rất ngon nữa.
Nếu thích, cả nhà có thể làm thêm hạt lựu cho vào ăn cùng món chè này cũng rất thú vị. Nhưng đây chính là cách ăn của chè của người Thái đấy.
(Theo CandyCancook)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét