THẾ GIỚI ẨM THỰC

Chè

Chè thập cẩm (đầy đủ)

Cách nấu chè thập cẩm ở mỗi vùng miền, mỗi nhà đều có những sự khác nhau nhất định về các loại nguyên liệu sử dụng.

1. Nguyên liệu

- Nước cốt dừa:

  • 500g cùi dừa già (loại cùi hay mua về kho thịt), nên mua sẵn ngoài chợ họ đã bổ sẵn và gọt lớp vỏ nâu bên ngoài về tiết kiệm được thời gian chế biến
  • 100-150ml nước ấm
  • 50g đường
  • 40g bột năng
  • Lá dứa (lá nếp): vài cái
  • Chút xíu muối tinh

- Đậu xanh:
  • 200g đậu xanh cà vỏ
  • Đường thốt nốt
  • 80g bột năng

- Trân châu nhân dừa:

  • 100g bột năng
  • 50g bột sắn dây
  • 50g đường cát trắng
  • Cùi dừa tươi: 1/3 quả (dùng cùi già)
  • Nước thật sôi già

- Sương sa hạt lựu:

  • Củ mã thầy (không có thì thay bằng quả lê hoặc củ đậu nhưng sẽ không thể ngon giòn bằng củ mã thầy)
  • Một ít lá dứa (lá nếp) để tạo màu xanh
  • Nửa củ dền tạo màu hồng
  • Đường cát
  • Bột năng

- Hạt sen
- Lạc, chuối sấy khô, quả mứt anh đào, dừa khô, dừa sợi, dầu chuối, ...

2. Cách làm

2.1. Nước cốt dừa
- Cùi dừa gọt lớp vỏ nâu bên ngoài, rửa sạch và thái miếng nhỏ. Cho tất cả cùi dừa vào máy xay sinh tố, thêm 100ml-150ml nước ấm xay thật mịn.
- Dùng khăn vải xô lọc lấy phần nước cốt dừa, vắt thật kiệt để được phần cốt nhất (phần bã đừng đổ đi mà dùng để nấu xôi cũng rất ngon)
- Đổ hết phần nước cốt dừa, đường, bột năng, chút xíu muối (khoảng1/4 thìa cà phê), khuấy đều và để lên bếp. Bật bếp chế độ nhỏ vừa không được để lửa to quá dễ làm cháy ở phần đáy.
- Thêm vào nồi nước cốt dừa vài cọng lá dứa (lá nếp) buộc gọn lại để sau nước cốt dừa được thơm hơn.
- Khuấy liên tục đến khi nước cốt dừa sôi hơi lăn tăn không được để sôi bùng, nước cốt dừa sánh mịn lại thì bắc ra khỏi bếp.
- Nếu dùng loại lon mua sẵn (một hộp 400ml thì dùng khoảng 200ml) cách làm như sau:
Đổ 200ml nước cốt dừa đóng lon vào nồi, thêm 100ml kem béo Rich hoặc sữa tươi không đường nguyên kem, 30g bột năng, 50ml sữa đặc có đường, 20g đường, 1/4 muỗng cà phê muối, khuấy đều lửa nhỏ vừa trên bếp đến khi hỗn hợp sánh mịn sôi nhẹ lăn tăn là được.
2.2. Đậu xanh
- Đậu xanh cà vỏ khoảng 200g, vo thật sạch đem ngâm nước qua đêm hoặc 4-5 giờ. Cho lên xửng hấp chín tới không cần nát quá.
- Đun sôi một nồi nước khoảng 700ml, nước sôi thì thêm vào đường thốt nốt hoặc đường vàng độ ngọt tuỳ ý tự điều chỉnh, muốn đậm đà hơn thì cho vào một xíu muối tinh.
- Hoà khoảng 80g bột năng ra bát với chút nước, từ từ đổ vào nồi, vừa đổ vừa khuấy theo chiều kim đồng hồ đến khi sánh đặc (nhớ là phải sánh đặc mới ngon, nếu chưa sánh đặc thì lại thêm bột năng vào). Nguyên tắc lúc nào cũng phải hoà với chút nước khô đổ thẳng bột năng để tránh không bị vón cục.
- Đổ tất cả phần đỗ xanh hấp chín vào nồi bột năng, khuấy đều đợi sôi lại tắt bếp ngay.
Đậu xanh nếu không muốn làm như trên có thể nấu chín nhuyễn, cho thêm đường và chút vani đem tán hoặc xay thật nhuyễn cũng thơm và ngon, tuỳ mọi người lựa chọn.
2.3. Các loại đậu: đậu đỏ, đậu đen, đậu trắng
- Đậu đỏ ngâm với nước ấm qua đêm. Sau đó đổ ra rổ xả qua nước lạnh vài lần cho sạch.- Đậu đỏ, 1 lít nước cho vào nồi nấu chín, khi đậu chín mềm thì cho đường vào nấu lửa hơi thấp cho nước đường thấm từ từ vào đậu. Nấu cho tới khi nước cạn thì tắt bếp.
2.4. Thạch sương sáo đen
Mua sẵn gói bột thạch sương sáo đen trong siêu thị, có đủ nguyên liệu và chỉ cần nấu theo hướng dẫn rất đơn giản và nhanh, món này có thể làm từ hôm trước được vì phải để ngăn mát tủ lạnh.
- Bạn cho bột sương sáo và đường trộn chung trong 1 bát con.
- Cho bột sương sáo vừa trộn vào nồi sau đó thêm 1 chút nước, trộn thật đều cho bột sương sáo hòa tan, lúc này hỗn hợp sẽ đặc sệt.
- Bạn đổ nốt lượng nước còn lại vào cùng và khuấy đều, bật bếp nấu cho hỗn hợp sôi lên thì để lửa nhỏ, vừa nấu vừa khuấy đun thêm khoảng vài phút và thấy thạch sương sáo bắt đầu đặc lại thì tắt bếp, giỏ vài giọt hương liệu thơm vào cùng và khuấy đều.
- Nhanh tay đổ hỗn hợp ra khuôn và để cho nguội sau đó đem cất ngăn mát tủ lạnh 2-3 tiếng cho thạch đông lại.
- Khi ăn bạn cắt thành những khúc vuông nhỏ.
2.5. Trân châu nhân dừa
- Cùi dừa cắt thành những miếng vuông nhỏ nhỏ (nhỏ hơn đầu đũa một chút).
- Trộn bột năng, bột nếp, đường cát với nhau trong một bát to, đun sôi nước thật sôi già rồi từ từ đổ nước sôi vào bột. Đổ vừa phải, từ từ. Lúc này bột sẽ có hiện tượng nửa sống nửa chín nếu sờ vào bột ngay sẽ rất nóng nên phải dùng đũa hoặc thìa to khuấy đều đợi bột bớt nóng thì đổ thêm bột năng khô vào nhồi đến khi bột dẻo mịn không dính tay là được (bột còn nhão thì cứ cho thêm chút bột năng). Bột dẻo mịn bọc bột lại bằng màng bọc thực phẩm tránh cho bột bị khô.
- Khi nặn véo một miếng bột nhỏ theo ý thích, ấn hơi dẹt đặt miếng cùi dừa vào giữa bọc và vo tròn. Làm lần lượt cho đến hết.
- Đun sôi một nồi nước, đợi nước thật sôi thả các viên trân châu vào luộc, trân châu nổi lên là đã chín thì tắt bếp nhưng không nên vớt ra vội mà đậy vung thêm khoảng 15-20p nữa hãy vớt trân châu ra khỏi nồi.
- Chuẩn bị bát nước lạnh thả các viên trân châu đã chín vào bát, trân châu nguội lại vớt ra đĩa, trộn thêm chút đường hoặc mật ong để không bị dính vào nhau.
- Đun sôi một nồi nước đường gừng, độ ngọt theo ý thích, nồi nước đường sôi thì cho trân châu vào đun nhỏ lửa vài phút rồi tắt hếp ngay (đường có thể sử dụng đường phèn hoặc đường thốt nốt cho thơm).
2.6. Làm hạt lựu
- Củ mã thầy gọt vỏ, rửa sạch, để ráo thái hạt lựu nhỏ.
- Lá dứa cắt nhỏ, thêm vào chút xíu nước xay lọc lấy nước cốt
- Củ dền cắt nhỏ, thêm chút nước xay nhỏ lọc lấy phần nước cốt nhất.
- Chia đôi củ mã thầy đã cắt hạt lựu, 1/2 đem ngâm với nước cốt lá dứa, 1/2 đem ngâm nước cốt củ dền trong 15-20 phút hoặc có thời gian chế biến và ngâm từ tối hôm trước bọc kín cất vào ngăn mát tủ lạnh để hôm sau làm. Thêm vào mỗi loại màu ngâm một chút đường.
- Bắc nồi lên bếp, đổ hết cả cái và nước ngâm màu lá dứa vào nồi, bật chế độ lửa trung bình, đun sôi và đảo đều để màu lá dứa cùng đường ngấm sâu hơn vào củ mã thầy. Sau đó lấy cái rây vớt củ năng đã đun với nước cốt lá dứa ra bát to (để nguyên nước lá dứa trong nồi tí luộc hạt lựu).
- Đợi củ năng thái hạt lựu nguội hẳn thì thêm bột năng vào, đi bao tay trộn thật đều cho bột năng bao kín từng miếng củ năng cắt hạt lựu. Dùng cái rổ có lỗ to, đổ hết củ mã thầy cắt hạt lựu đã bao bột năng vào rổ, rây hết phần bột thừa đi.
- Nước lá dứa trong nồi đã cạn bớt thì ta cho thêm chút nước trắng,bật bếp đợi nước thật sôi thả toàn bộ củ mã thầy thái hạt lựu vào luộc,chín vớt ra bát nước đá lạnh,đợi hạt lựu nguội hẳn vớt ra bát.
Tương tự màu củ dền cũng làm như vậy.
LƯU Ý: Riêng hạt lựu, trân châu thái sợi không nên cho vào tủ lạnh, chỉ để bên ngoài, trường hợp không ăn hết trong ngày mà muốn để ngày hôm sau ăn mới bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, nhưng khi mang ra ăn sẽ hơi bị cứng do lớp bột năng bên ngoài.
2.7. Hạt sen
- Hạt sen nấu với đường thốt nốt hoặc đường phèn, phần nước và đường tuỳ theo ý thích, dùng khoảng 300g hạt sen tươi.
- Dùng hạt sen tươi nấu nhanh chín mềm, nhớ đừng cho đường vào ngay từ đầu mà hãy ninh cho hạt sen chín mềm lúc đó mới cho đường vào để hạt sen không bị sượng.
- Nếu dùng sen khô phải ngâm nước ấm từ tối hôm trước.
2.8. Thạch lá dứa
- Lá dứa rửa sạch, cắt khúc và cho vào máy xay cùng ít nước. Sau đó lọc bỏ bã.
- Cho bột rau câu vào nồi nước lá dứa quậy đều cho tan rồi bắt lên bếp đun sôi. Nấu sôi vài dạo rồi tắt bếp cho vào khuôn. Lượng nước pha bột rau câu tùy theo hướng dẫn mặt sau của gói rau câu.
- Rau câu nguội thì cắt sợi lớn nhỏ tùy thích. Lá dứa khi nấu sôi thì màu sẽ không còn đẹp như màu thực phẩm hay màu của tinh chất lá dứa nhưng dùng thì an toàn hơn.
2.9. Các nguyên liệu khác
- Lạc ăn kèm rang chín vàng, bỏ vỏ, nên rang từ hôm trước hoặc trước đó để tiết kiệm thời gian. Cho vào hộp đậy thật kín và cất ngăn mát tủ lạnh.
- Các nguyên liệu ăn kèm khác như chuối sấy khô, quả mứt anh đào, dừa khô… mua sẵn trong cửa hàng hoặc siêu thị.
- Ngoài ra còn thêm dừa nạo, đá bào.
- Hạt é mua về ngâm nước cho nở rồi vớt ra để ráo nước.
- Nấu nước đường để chan: Nấu thêm một ít nước đường đậm đặc để ai thích ăn ngọt hơn cho thêm vào chè. Khi ăn ai thích món gì cho vào món đó hoặc ăn đủ tất cả gọi là chè thập cẩm.
- Ngoài ra nếu có thời gian có thể nấu thêm hoặc đồ chín rồi xào đường các loại đậu đen, đậu đỏ cũng rất ngon khi cho vào chè.
*Lưu ý:
Nhà đông người, có khách hoặc cỗ thì mới nên nấu món chè thập cẩm như này, ít người không nên nấu vì cũng khá tốn thời gian cùng nguyên liệu nếu không ăn hết.
Khi ăn món chè thập cẩm không thể thiếu được mùi dầu chuối, dừa khô, chuối sấy khô, lạc rang, dừa nạo. Đây là mùi vị đặc trưng của món chè.
Chúc các bạn thành công!
(Tổng hợp)

About HongNgoc Foody

0 nhận xét:

Được tạo bởi Blogger.