THẾ GIỚI ẨM THỰC

Bánh chưng

Bánh chưng ngọt

Mỗi người có một lý do riêng để thích Tết, riêng tôi chờ Tết để được ăn bánh chưng ngọt, món ăn khó có thể tìm được nơi đâu và một thời điểm nào khác trong năm.
Bánh chưng nào cũng cần gạo nếp, đỗ xanh, lá dong, thịt mỡ. Tuy nhiên, bánh chưng ngọt không có dưa hành như câu đối Tết và cần thêm đường phên, thịt heo cũng cần nạc hơn.

1. Nguyên liệu

-Gạo nếp
-Đậu xanh
-Thịt (nạc hơn bánh mặn)
-Đường phên
-Hoa hồi, quế
-Gia vị

2. Cách làm

- Gói bánh chưng ngon, phải chọn loại nếp có hạt đều, mẩy ngon nhất là loại nếp cái hoa vàng, vừa thơm vừa dẻo. Loại gạo nếp nương của Điện Biên cũng rất thơm ngon. Gạo phải ngâm ít nhất là 8 tiếng rồi mới đãi sạch sạn, để cho ráo nước, trộn với chút muối, rồi mới gói bánh.
- Đỗ xanh phải chọn loại đỗ xanh tiêu, hạt nhỏ, ruột vàng thì sẽ thơm ngon hơn. Đỗ xanh xay vỡ, ngâm trong nước chừng 1-2 giờ rồi đãi sạch vỏ xanh, đồ chín, đánh tơi để làm nhân bánh.
- Thịt lợn để gói bánh ngọt là thịt nạc mới ngon; không nên chọn loại thịt ba chỉ như khi gói bánh mặn. Thịt rửa sạch thái thành các miếng dài chừng 5-7 cm, dày chừng 0,5 cm, ướp muối tiêu cho ngấm chừng 15 phút trước khi gói bánh.
Hoa hồi khô mua ở tiệm thuốc Bắc cùng vỏ quế được nghiền thành bột mịn rồi ướp với thịt, nước mắm, hạt tiêu.
- Bánh chưng ngọt cầu kì hơn trong khâu gói khi đường phên phải là đường ngon, được cạo mỏng từ những tảng lớn, màu nâu sậm, vị ngọt đậm. Đường phên gói đến đâu, cạo tới đó để tránh đường bị ướt.
- Gói bánh: Một bát gạo, một bát đỗ, vài lát thịt, một lớp dày đường phên, phủ thêm gạo, đỗ, gói chặt lại.
- Luộc bánh: Bánh chưng đem luộc đến gần 12 tiếng sẽ được độ ngon nhất. Người ta gọi đó là “rền” bánh. Luộc kỹ, miếng bánh ăn mềm mát.
*Một cách làm nhân ngọt khác: Làm hệt bánh chưng mặn. Nhưng đậu xanh thì đồ trước lên, nắm lại rồi thái lát như đậu ăn xôi xéo, nhặt hết hạt sượng, trộn đường rồi đặt lên bếp đảo nhỏ lửa, bao giờ đường nó chảy ra với đậu xanh thành thứ bột quánh dẻo, thơm ngào ngạt thì trộn cùi dừa thái chỉ, vừng rang thơm, bắc ra, lại nắm thành nắm nhỏ, rồi gói với thịt, gạo như thường. Nhớ là bánh ngọt nhưng vẫn phải cho muối vào thịt, gạo như bánh mặn, quên là nuốt không trôi miếng bánh đâu.
Bánh chưng mặn, người làm bánh cố gắng sao cho chiếc bánh bóc ra xanh từ trong ra ngoài, bánh chưng ngọt đơn giản hơn. Bởi màu bánh đã là màu nâu cánh gián của đường phên. Nhìn màu vỏ bánh cũng có thể phân biệt vị bánh bên trong.
Bánh chưng ngọt, đậm đà vị mặn của gạo nếp, thịt heo xóc muối, vẫn ngọt ngào, lạ miệng với vị ngọt của đường phên, mùi thơm đặc trưng của hoa hồi, vỏ quế. Bánh chưng ngọt để được ít ngày hơn bánh chưng mặn. Muốn để dành sau Tết phải cho vào tủ lạnh tránh mốc hỏng bánh.
Bánh ngọt chỉ gói vài cái ăn chơi, mời khách cho phong phú món ăn ngày Tết.

3. Video hướng dẫn

Chúc các bạn thành công!

About HongNgoc Foody

0 nhận xét:

Được tạo bởi Blogger.