THẾ GIỚI ẨM THỰC

Bánh

Bánh mì xíu mại Đà Lạt

Xíu mại Đà Lạt là món ăn sáng cực kỳ nổi tiếng, không chỉ ở xứ sở sương mù mà còn lan rộng ra tới nhiều tỉnh thành khác. Đến Đà Lạt chơi mà không ăn sáng với bánh mì xíu mại, uống sữa đậu nành nóng và ăn sữa chua phô mai tráng miệng thì đúng là một thiếu sót lớn đó nha.

Ừ thì bánh mì xíu mại thì có gì đâu mà lạ, thiếu gì nơi bán, nhưng hỡi ơi, cái cảm giác "chén" món này ở Đà Lạt trong sáng ngày mưa quá ư là đáng nhớ. Chén xíu mại dọn ra bàn tỏa nghi ngút khói, phần bánh mì nóng, vàng ruộm nằm ngoan hiền bên cạnh ngon đến mức chưa kịp ăn đã nghe nước miếng ứa ra. Bánh mì vùng cao làm dày vỏ, xé ra nghe rôm rốp, giòn rụm, chấm vào chén nước xăm xắp hành, có mấy viên xíu mại và chả cây ngấp nghé chờ, thì cảm giác như không thể chần chừ thêm nữa phải đưa ngay vào miệng cho kịp cái độ giòn còn đó.
Cầu kỳ hơn thì bẻ lấy một miếng bánh lớn, xếp chả, da heo lên mặt bánh rồi rưới đẫm lên đó thứ nước xíu mại nấu nhạt để thêm ớt xào tê tê thì có lẽ cả những cô nàng luôn ăn kiêng để giữ eo trong phút ấy cũng thấy việc "bóp mồm, bóp miệng" quả thực là vô nghĩa. 
Nhiều người bảo đi ăn bánh mì xíu mại Đà Lạt đừng quên sưởi tay bên lò than hơ bánh mì hay uống chén trà gừng sau khi ăn bánh xong thì mới trọn vẹn. Vậy ra, người ta nhớ cái món này đâu chỉ riêng bởi vì hương vị, mà còn vì cái cách thưởng thức như vậy còn tìm được đâu ở nơi khác ngoài Đà Lạt. Vì người dân xứ núi ăn bánh mì đâu chỉ cho no cái bụng, mà còn để bắt đầu một ngày mới, thật thong thả, thật đậm đà.

1. Nguyên liệu

- Phần xíu mại:
  • Thịt nạc dăm: 240 g (thịt nạc vai)
  • Mỡ heo: 80 g
  • Tỏi băm: 15 g
  • Hành tím băm: 15 g
  • Đường trắng: 30 g
  • Muối: 5 g
  • Hạt nêm: 10 g
  • Tiêu: 10 g
  • Nước mắm: 20 ml
- Phần nước lèo:
  • Dầu điều: 2 muỗng canh
  • Hành tây: 100 g
  • Da heo: 100 g
  • Hạt nêm: 30 g
  • Đường phèn: 30 g
  • Muối: 5 g

2. Cách làm

- Làm xíu mại:
Đầu tiên xay nhuyễn 240g thịt nạc dăm và 80gr mỡ heo.
Cho thịt xay ra tô, thêm các loại gia vị: 15g tỏi băm, 15g hành tím băm, 30g đường, 20ml nước mắm, 10g hạt nêm, 10g tiêu, 5g muối vào rồi dùng tay quết thật đều.
Vo thịt thành những viên xíu mại nhỏ, với công thức này vo được 30 viên. Để 30 phút trước khi nấu cho xíu mại ngấm gia vị.
Khi quết thịt và gia vi có thể làm động tác đập thịt vào tô nhiều lần để thịt có độ dai và kết dính.
- Nấu nước lèo:
Làm nóng 2 muỗng canh dầu điều, cho 100g hành tây cắt múi cau vào nồi đảo đều.
Xào đến khi hành tây chuyển trong thì thêm 100g da heo cắt miếng vừa vào đảo chung.
Xào cho da heo vừa săn thì thêm vào nồi 1.5 lít nước lọc, nấu sôi.
Tiếp theo cho hết xíu mại vào nồi nước lèo nấu.
Khi xíu mại chín (xíu mại nổi lên mặt) thì nêm nếm gia vị: 30g hạt nêm, 30g đường phèn, 5g muối. Nấu thêm 5 phút nữa rồi tắt bếp.
- Múc những viên xíu mại ra chén, thêm nước lèo và đừng quên da heo nhé. Gắp thêm rau sống để tăng thêm hương vị, ai thích ăn cay thì cho thêm ớt sa tế, thích đậm đà thì xịt thêm miếng nước tương.
- Bẻ một miếng bánh mì nhỏ chấm vào, trộn đều cho rau sống thấm nước lèo, múc một cục xíu mại kèm rau sống và da heo, trời ơi ngon ngất ngây đúng không?
- Xíu mại thịt viên ăn chung với một ít da heo (bì). Thịt viên khá mềm và chắc thịt. Món xíu mại ngon nhất là phần gia vị nước lèo, nó có vị ngọt thanh vừa phải. Khi ăn xíu mại thường ăn kèm với bánh mì đặc ruột. Vừa chấm bánh mì vừa ăn thịt viên khá thú vị. Đây là món ăn sáng tuyệt vời và ngon không cưỡng được. Phù hợp cho cả trẻ nhỏ trong gia đình.


Rau sống ăn kèm bánh mì xíu mại nếu đơn giản thì chỉ là hành lá cắt nhỏ, còn đầy đủ hơn có thể thêm đu đủ, cà rốt bào sơi, rau quế và hành ngò.
Những viên xíu mại được quết kỹ có độ dai vừa đủ, hương vị ngọt thanh nhẹ nhàng của nước lèo thêm một lớp nước béo bên trên kết hợp lại với nhau tạo nên sự hoà quyện, làm cho món ăn trở nên lôi cuốn lại kỳ.

3. Video hướng dẫn

Chúc các bạn thành công!
(Theo Cooky.vn)

About HongNgoc Foody

0 nhận xét:

Được tạo bởi Blogger.