THẾ GIỚI ẨM THỰC

Nguyên Liệu

Làm Giấm Chuối (1)


1. Nguyên liệu


- Lọ thủy tinh có nắp đậy, thể tích khoảng 10 lít. Lọ đem rửa sạch, úp ngược cho khô

- 1 lít nước dừa tươi

- Nước lọc nấu sôi để nguội

- 100 ml rượu trắng trên 30 độ, không mùi

- 5 hay 6 quả chuối sứ, chuối xiêm chín (khoảng 500 - 700 g). Lột vỏ, tước chỉ bao quanh thân trái chuối (Hoặc bạn cũng có thể sử dụng các loại chuối quả lớn thông thường)

2. Cách làm


- Cho nước dừa tươi + chuối + rượu vào lọ thủy tinh, đổ nước lọc vào khoảng 8/10 thể tích lọ, đậy nắp, để chỗ thoáng mát, không có ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp và không xê dịch. Để trong khoảng 45 - 60 ngày, tùy thời tiết, trên mặt hỗn hợp sẽ kết một lớp men vi sinh nhìn như một lớp váng trắng đục, đó là "con giấm". Càng để lâu, con giấm càng dày lên và trở thành trong đục như một con sứa lớn. Khi có con giấm là nước trong hũ bắt đầu trở thành giấm chua, để càng lâu càng chua, canh chừng thời gian, nếm thử thấy độ chua vừa ý, nhẹ tay chiết giấm ra, đừng để con giấm trôi theo bể ra.

- Sau khi chiết giấm ra, vẫn để xác chuối và con giấm trong lọ, pha nước đường với công thức: 1 bát đường cát trắng + 6 bát nước lọc, khuấy cho tan đường, cho vào lọ giấm và cũng chỉ cho đến 8/10 lọ. Thời gian nước đường thành giấm sẽ nhanh hơn lần đầu tiên và sẽ kết thành một lớp con giấm khác. Khi giấm đã chua, lại chiết ra rồi thêm nước đường vào theo công thức trên.

- Cứ mỗi lần lấy giấm ra và cho thêm nước đường vào, sẽ có thêm một lớp con "giấm mới", mỏng hơn và lớp "con giấm" đầu tiên sẽ rất dày.

- Phải gây lọ giấm khác khi trong hũ đã phải có kết vài lớp "con giấm" vì những lớp "con giấm" sẽ dày lên làm choáng hết thể tích hũ. Dùng một lọ thủy tinh khác, nhẹ tay hớt một lớp "con giấm" sang hũ mới rồi châm nước đường theo công thức trên, thời gian sau nước đường trong hũ mới sẽ trở chua thành giấm.

- Giấm sau khi chiết ra lọc lược cho trong bằng túi vải thưa, có thể dùng được ngay, muốn để dành, nấu sôi giấm lại, để nguội, cho vào chai đậy kín. Nếu để lâu mà chưa dùng đến, giấm trong chai sẽ tiếp tục kết màng thành con giấm, hiện tượng này bình thường, giấm sẽ chua hơn và vẫn dùng được.

- Sau khi gây được hũ giấm thứ ba, vớt bỏ xác chuối ở hũ làm lần đầu.

- Lưu ý trong khi làm giấm cũng như giấm đã làm xong, luôn để hũ, chai giấm chỗ thoáng mát, bóng râm không để ra nắng.
Giấm làm bằng chuối có màu trắng trong, hơi đục. Có thể thay chuối chín bằng dứa thật chín, cắt lát nhưng giấm làm bằng dứa thường có màu vàng.

About HongNgoc Foody

0 nhận xét:

Được tạo bởi Blogger.